Với nền tảng của mình, đạo diễn Julie Tymor đã kết hợp các nền văn hóa khác nhau vào việc sản xuất nhân vật, sân khấu... đặc biệt là kỹ thuật biểu diễn rối bóng Wayang - Indonesia và múa rối truyền thống Nhật Bản – Bunraku.
Nhạc kịch Vua sư tử là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trên sân khấu kể từ khi được ra mắt cách đây tròn 23 năm. Không giống các vở nhạc kịch thông thường, dàn diễn viên từ phụ đến chính của vở diễn này đều là những con rối. Ekip sản xuất đã tiêu tốn hơn 37.000 giờ để nghiên cứu và thiết kế ra gần 300 con rối, chủ yếu là rối que, rối bóng, chúng có nhiều kích thước khác nhau. Đây là yếu tố then chốt làm nên sự thành công rực rỡ cho vở diễn này trong hơn 2 thập kỷ qua.
Câu chuyện kể về quá trình lớn lên và trở thành vua của chú sư tử Simba. Lúc còn nhỏ, cha của Simba đã bị người chú độc ác âm mưu giết hại rồi đổ mọi tội lỗi lên cậu. Đau buồn và sợ hãi, Simba chạy trốn khỏi nhà rồi trưởng thành cùng với hai người bạn mới là Timon và Pumbaa. Sau này Simba gặp lại người bạn thời thơ ấu là Nala – người đưa cậu ta trở về nhà thách đấu với chú của mình để giành lại sự sống cho vùng đất Pride Rock. Cuối cùng, Simba cũng chiến thắng và trở thành Vua bằng tài năng và sự can đảm của mình – như chính cha của cậu.
Chu du đến nhiều quốc gia trên thế giới, vở nhạc kịch đã già được 2 giải Oscar, 3 giải Quả cầu vàng, 3 giải Grammy, 6 giải Tony và 2 giải BMI. Thành công của vở nhạc kịch Vua sư tử không thể không nhắc đến Đạo diễn Julie Taymor – nữ đạo diễn đầu tiên nhận giải Tony. Từ năm 13 tuổi, Taymor bắt đầu mạo hiểm đi xa để mở rộng kiến thức về nhà hát. Trong những năm sau đó, cô ấy đã đến thăm châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và đi du lịch khắp châu Á. Chính điều này đã khiến cô có thêm những ý tưởng tuyệt vời để tái hiện các nhân vật của Vua sư tử lên sân khấu.
Taymor đã học hỏi, kết hợp và phát triển các yếu tố múa rối Châu Á, điều này thể hiện rõ nhất ở đoạn những con rối bóng chạy nhảy trên bãi cỏ Pride Lands – nó được lấy ý tưởng từ Wayang. Con rối Simba trẻ được điều khiển bởi năm người: hai người cầm gậy ở thắt lưng, hai người cầm gậy ở chân và ánh đèn chiếu ở phía sau để tạo nên chiếc bóng cho khán giả xem.
Trong khi Timon được xây dựng từ bunraku – múa rối truyền thống của Nhật Bản. Trong Bunraku, con rối thường có kích cỡ bằng 2/3 so với người thật. Mỗi con rối được điều khiển bởi (ít nhất) ba nghệ sĩ múa rối: một dành cho chân; một dành cho tay trái và các hoạt động của cơ thể ;(hoặc) một dành cho tay phải và đầu bao gồm cả việc kiểm soát chuyển đổi nét mặt. Vẫn giữ những nét đặc trưng, song Tymor đã thiết kế nhân vật này trở nên tối giản hơn, do đó buộc các diễn viên phải hình thành mối quan hệ mật thiết với cơ chế của nhân vật, điều khiển chúng theo những cách riêng để làm nổi bật diễn xuất và phát triển các phong cách hành động độc đáo.
Rối tay truyền thống cũng được phát triển lên với nhân vật Zazu. Taymor và Curry đã kết hợp một loạt các phong cách sân khấu, các quy ước, các kỹ thuật truyền thống để phát triển thành một loại chương trình mới trực quan, hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Nếu không có những sự kết hợp tinh tế này, việc tái hiện một dàn động vật hoang dã, khung cảnh savanna châu Phi hay một đàn linh dương chạy loạn trên sân khấu là một điều gì đó khá kinh hoàng với các đạo diễn. Nhưng đối với Taymor, đây lại cơ hội để đưa thứ mà cô gọi là giáo dục thế giới của mình vào một tác phẩm lớn hơn bao giờ hết. “Khi tôi xem bộ phim, điều đầu tiên thực sự thách thức tôi là vụ giẫm đạp hoang dã – và đó cũng là điều khiến tôi muốn làm”- Taymor cười nói.
Cô ấy đã khiến khán giả hoàn toàn bất ngờ trước khung cảnh quá sức chân thực. Những diễn viên đứng trên sân khấu cầm chiếc khiên điêu khắc khuôn mặt linh dương và mặc trang phục len, xù xì để tạo ra linh dương đầu bò. Lớp tiếp theo là những con rối linh dương đầu bò nhỏ hơn được gắn trên các con lăn, cuối cùng là một tấm vải nền với bức tranh linh dương đầu bò cũng sử dụng trục lăn. Đây là một trong những hoạt cảnh thử thách nhất cho việc chuyển từ phim hoạt hình sang sân khấu trực tiếp.
Để thấy rõ được sự vận dụng sáng tạo tuyệt vời đó chúng ta theo dõi 2 đoạn clip dưới đây
https://www.youtube.com/watch?v=PApM8iQndTM
Phân cảnh đàn linh dương chạy loạn dẫm đạp lên nhau được phát triển từ múa rối và sử dụng trục lăn (0:30)
https://www.youtube.com/watch?v=kMic_iCxpdo&feature=emb_title
Trong khi đó phân cảnh đàn linh dương chạy loạn giẫm đạp lên nhau do học sinh thực hiện đơn giản chỉ là “chạy loạn” trên sân khấu (1:45)
Nhạc kịch Vua sư tử không chỉ là sản phẩm thành công nhất của Disney mà còn là tác phẩm giúp Julie Taymor đoạt giải Tony danh giá. Câu chuyện cảm động và những cảnh tượng hùng vĩ đã chạm đến trái tim khán giả. Với nền tảng của mình, Tymor đã có thể kết hợp các nền văn hóa khác nhau vào sản xuất nhân vật, sân khấu… Không có loại hình nghệ thuật này, Vua sư tử sẽ không phải là sản phẩm tuyệt vời hay có thể tiếp tục mê hoặc người hâm mộ mới mỗi năm.
Minh Hằng