Kể từ lần đầu xuất hiện từ hàng ngàn năm về trước, múa rối đã phát triển vô cùng mạnh mẽ trong nền nghệ thuật và văn hóa trên khắp thế giới - trở thành một trong những bộ môn nghệ thuật lâu đời nhất, đồng thời, là một trong những bộ môn kịch nghệ được ưa chuộng nhất mọi thời đại.
Múa rối là một loại hình kịch nghệ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng diễn viên là người thật, múa rối xoay quanh nhân vật chính là những con rối được điều khiển bởi con người – nghệ sĩ múa rối. Những người này chịu trách nhiệm điều khiển chuyển động, cử chỉ, và thậm chí là biểu cảm của những con rối bằng nhiều phương thức khác khác nhau như kéo dây (rối dây), sử dụng que (rối que), hay chỉ đơn giản là trực tiếp dùng tay để điều khiển con rối (rối tay) hoặc luồn ngón tay vào trong lòng khoét rỗng của đầu hoặc cầm một đoạn cán nối dài cổ rối (rối ngón tay).
Tương tự các loại hình kịch nghệ khác được đóng bằng người thật, các tiết mục múa rối cũng cần sự hỗ trợ của bối cảnh, ánh sáng, và âm thanh.
Bộ môn múa rối bắt đầu manh nha từ thời Ai Cập cổ đại. Trong suốt thời kỳ Trung Vương Quốc Ai Cập (năm 2030–1650 TCN) có nhiều bằng chứng về những con rối hình người được người Ai Cập cổ đại khắc tạc từ gỗ. Chúng mô phỏng lại hoạt động thường ngày của con người như làm cốt bánh mì, được điều khiến bằng sợi dây mảnh. Nhiều thế kỷ trôi qua, người ta tiếp tục tìm thấy những con rối được chế tác từ đất sét và ngà được điều khiển bằng những sợi dây kim loại mảnh tại các lăng mộ. Có tài liệu ghi chép lại, những “con rối trong trạng thái đi lại” đại diện cho những giáo chủ đang thực hiện các nghi thức tôn giáo.
Ở thời Hy Lạp cổ đại, nhà sử học Herodotus và Xenophon (thế kỷ thứ 5 TCN) từng đề cập tới múa rối trong ghi chép của mình. Họ nhắc tới nevrospastos, có nghĩa là “được điều khiển bằng dây”, hoặc “kéo bằng dây” trong bối cảnh của một nghi thức tôn giáo. Đây cũng chính là tài liệu đầu tiên có ghi chép về bộ môn nghệ thuật này. “Họ tạo ra những con rối cao khoảng 60cm, được điều khiển bằng những sợi dây mảnh…” ông viết trong cuốn The Persian Wars.
“Có một người thổi sáo, còn người phụ nữ phía sau thì hát về thần Dionysus.”
Sự xuất hiện của múa rối tại các nhà hát kịch
Nhiều thế kỷ trôi qua, múa rối đã xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trong khoảng năm 960-1127 tại Trung Quốc Kịch Rối Bóng bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc và đã nhận được những phản hồi vô cùng tích cực. Con rối bóng truyền thống làm bằng da là phẳng với các chi tiết được trổ bằng dao nhọn, thể hiện các đặc điểm khuôn mặt và trang phục. Mỗi con rối được làm từ các mảnh riêng biệt và nối với nhau bằng dây hoặc kẽm. Chúng được điều khiển bằng các que dài và di chuyển phía sau một tấm màn đục làm từ giấy hoặc vải. Ánh sáng được chiếu từ một ngọn đèn ở phía sân khấu của con rối và khán giả ở phía bên kia sẽ chỉ nhìn thấy những cái bóng được phản chiếu lên tấm màn mỏng.
Tại Pháp, vào thời kỳ Trung cổ, rối dây được gọi là marionette (“Mary bé nhỏ”), bởi Đức mẹ Maria chính là một trong những nhân vật được ưa chuộng nhất trong các tiết mục múa rối tại các nhà chùa Công giáo. Bộ môn nghệ thuật múa rối tiếp tục du nhập vào đất nước Ý xinh đẹp – vốn đã nổi tiếng với truyền thống kịch nghệ Commedia Dell’arte và từ đó, trở thành một trong những bộ môn kịch nghệ được yêu thích nhất tại đây.
Đến thế kỷ 17, nghệ sĩ múa rối tại Anh Quốc cho ra mắt vở hài kịch “Punch and Judy” theo hơi hướng của Ý. Vở kịch xoay quanh cặp vợ chồng Punch và Judy, có sự kết hợp giữa những chi tiết hài hước và những xung đột về thể xác. Ban đầu nhân vật rối Punch (được chuyển thể từ nhân vật Pulcinella của Ý) và Judy được điều khiển bằng dây, tuy nhiên, về sau, các nghệ sĩ múa rối đã trực tiếp điều khiển chúng bằng tay để có thể lột tả tối đa những cử chỉ tức giận, cuồng nộ của hai nhân vật mà không sợ bị rối dây.
Đến thế kỷ 18, nghệ sĩ múa rối nổi tiếng người Pháp Laurent Mourguet sáng tạo nhân vật Guignol – một anh chàng hóm hỉnh thuộc tầng lớp lao động tại Pháp. Mặc dù có nhiều nét tương đồng với nhân vật Pulcinella của Ý, nhân vật này được xây dựng chủ yếu dựa trên những trải nghiệm thực tế của Mourguet về sự nghèo đói. Cũng chính nhờ hướng tiếp cận rất đời này, Guignol đã chạm được tới một bộ phận lớn trong xã hội qua nhiều thế hệ.
Tại Nhật Bản, kịch múa rối Bunraku là một trong những bộ môn nghệ thuật phổ biến vào thời kỳ Edo (1603-1868) được kế thừa cho đến ngày nay. Bắt nguồn từ thành phố Osaka, Bunraku phát triển cùng sự lớn mạnh của Kabuki – một loại hình kịch nghệ của Nhật Bản có kết hợp âm nhạc đương đại, những cú nhào lộn ấn tượng, lối trang điểm và phục trang đầy phong cách.
Những con rối gỗ Bunraku được chế tác thủ công có kích cỡ bằng nửa người thật và được điều khiển bởi 3 người ở 3 vị trí:“Ashizukai” phụ trách điều khiển chân của con rối, “Hidarizukai” điều khiển tay trái, và “Omozukai” điều khiến phần cổ và tay phải của con rối. Sự kết hợp của 3 người này sẽ thay đổi tuỳ theo từng sân khấu. Trong biểu diễn, “Ningyotsukai” là người điều khiển con rối, “Shamisen” là người chơi nhạc cụ shamisen và “Tayu” là người dẫn dắt câu chuyện.
Từ năm 1835 đến giữa thế kỷ 20, gánh rối Compañía Rosete Aranda đã công chiếu tất cả các buổi diễn tại Mexico, nổi tiếng với gia sản gồm 5000 con rối sặc sỡ được chế tác thủ công từ giấy và gỗ dái ngựa mà sau này được lưu giữ và trưng bày tại rất nhiều bảo tàng trên khắp Mexico. Từ đó, múa rối đã trở thành một bộ môn nghệ thuật dân gian mang giá trị cao tại Mexico.
Tới giữa thế kỷ 20, múa rối cũng phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng hiện đại hóa: Giờ đây, nó không chỉ phục vụ khán giả tới xem trực tiếp mà còn phục vụ khán giả thông qua màn ảnh nhỏ.
Múa rối Việt Nam
Tại Việt Nam, múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Đến nay, nghệ thuật múa rối Việt Nam đã đạt đến trình độ nghệ thuật có giá trị cao về tinh thần, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Thực tế cho thấy cho tới nay, múa rối đã tồn tại ở Việt Nam trên dưới 1000 năm, nó phát triển rực rỡ nhất vào thời Lý-Trần (thế kỷ XI – XII). Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam được hình thành từ bao đời nay, được lưu truyền và ngày càng phát triển với nhiều thể loại đa dạng như: Rối tay, rối que, rối dây, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối sao, rối bóng… nhưng nổi bật nhất phải kể đến rối nước. Kịch bản múa rối dân gian Việt Nam gắn liền những tín ngưỡng làng xã, một mặt để thờ cúng thần linh – Thần Thành Hoàng, mặt khác phục vụ mục đích giải trí cho khách trảy hội…
Những người tham gia trong phường rối là các nghệ sĩ nghiệp dư, họ là những nông dân, thợ thủ công vào thời vụ thì cấy cày, làm đủ nghề kiếm sống, lúc nông nhàn thì tham gia sinh hoạt nghệ thuật. Mỗi phường rối đều có một người đứng đầu gọi là ông Trùm. Ông Trùm tụ tập mọi người cùng trao đổi, sáng tác, và tập luyện các tiết mục, thống nhất biểu diễn một số trò, tích theo yêu cầu. Và đó là những Phường rối, gánh rối dân gian được nhân dân thành lập và trân trọng gìn giữ lưu truyền cho tới ngày hôm nay. Tiếp thu vốn nghệ thuật truyền thống, những người hoạt động trong lĩnh vực này đã dành tâm sức đầu tư để phát triển hơn lên mà vẫn không làm mất đi cái gốc truyền thống của dân tộc.
Múa rối đương đại
Ngày nay, múa rối vẫn là một trong những bộ môn nghệ thuật biểu diễn được yêu thích nhất. Và để giữ gìn được truyền thống lâu đời này, rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục tổ chức của buổi múa rối. Một ví dụ tiêu biểu là Nhà hát múa rối quốc gia Bunraku – được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản; tại Anh và Pháp, các nhân vật Punch, Judy, và Guignol xuất hiện dày đặc tại các công viên, bãi biển, và những địa điểm công cộng khác; tại Mỹ, chương trình truyền hình giáo dục dành cho thiếu nhi Sesame Street xoay quanh nhân vật chính là những chú rối Muppet do Jim Henson sáng tạo tiếp tục phục vụ nhu cầu giải trí cho trẻ em và người lớn như 50 năm về trước.
Các nghệ sĩ múa rối đương đại vẫn tiếp tục sáng tạo, đưa ra những sản phẩm kết hợp giữa những giá trị truyền thống và những ý tưởng mới lạ trong bối cảnh hiện đại – rất nhiều trong số đó được giảng dạy và trình diễn tại những sự kiện mang tính chất học thuật. “Ngày nay các nghệ sĩ múa rối thường theo học tại các trường đào tạo kịch nghệ hoặc múa rối,” Hiệp hội các nhà phê bình Kịch nghệ giải thích. “Họ được khuyến khích tìm hiểu về văn học và những bộ nghệ thuật có liên quan, để từ đó có thể kết hợp hài hòa giữa múa rối với những bộ môn biểu diễn khác.”
Trong những năm gần đây, múa rối Việt Nam đã mạnh dạn thử nghiệm một số vở diễn với hình thức đan xen giữa truyền thống và hiện đại nhằm đáp ứng tiến trình phát triển xã hội hóa, hiện đại hóa của đất nước. Với vị thế hiện nay, múa rối nước Việt Nam được xếp vào hạng nghệ thuật độc đáo của Văn hóa dân tộc, là một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người con đất Việt.
Tham khảo: designs.vn