Trước thềm cuộc họp của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Hàn Quốc, người hâm mộ Kpop đang gây sức ép lên vấn nạn ô nhiễm album của HYBE.
Người hâm mộ Kpop đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống ô nhiễm album nhựa trong quá trình chuẩn bị cho cuộc họp liên chính phủ của Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới đây.
Kpop4Planet (K4P), một nhóm hoạt động vì khí hậu do người hâm mộ Kpop thành lập, vừa tổ chức một cuộc biểu tình trước trụ sở HYBE tại Seoul. Chiến dịch biểu tình mang tên “Tội lỗi của album nhựa” (Plastic Album Sins) kêu gọi ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp Kpop.
Theo báo cáo của các nguồn tin quốc hội Hàn Quốc năm 2022, lượng rác thải nhựa do các công ty giải trí tạo ra đã tăng gấp 14 lần trong 6 năm qua. Điều này xuất phát từ doanh số bán album Kpop vật lý đã tăng vọt trong thập kỷ qua, với hơn 116 triệu bản vật lý được bán ra cho riêng 400 album hàng đầu vào năm 2023.
Kpop4Planet cho rằng, các công ty giải trí Kpop đang sử dụng các chiến thuật tiếp thị không lành mạnh để thúc đẩy doanh số bán hàng, chẳng hạn như hệ thống thẻ ảnh ngẫu nhiên, rút thăm trúng thưởng cho các buổi ký tặng người hâm mộ và nhiều phiên bản album để buộc người hâm mộ phải mua số lượng lớn. Trong đó, HYBE – một công ty giải trí Kpop hàng đầu với tổng tài sản là 5,25 nghìn tỷ won (khoảng 3,9 tỷ USD) – là một trong những tập đoàn sử dụng các chiến thuật tiếp thị có hại này.
Bất chấp “tầm nhìn về Giải trí bền vững” của HYBE, Kpop4Planet chỉ ra rằng các hoạt động của công ty này đã dẫn đến mức tăng mạnh (77,9%) về lượng nhựa được sử dụng để sản xuất album trong giai đoạn 2022-2023. Hơn nữa, Viện Quản trị doanh nghiệp và Phát triển bền vững Hàn Quốc (KCGS) đánh giá hiệu suất ESG của HYBE là thấp nhất trong hạng mục môi trường trong số 4 công ty giải trí lớn ngành Kpop.
Thêm vào đó, Kpop4Planet cũng dẫn chứng về cuộc khảo sát vào tháng 8/2024 với sự tham gia của 12.000 người hâm mộ K-pop trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, 42,8 % đồng ý rằng, việc yêu cầu người hâm mộ mua thật nhiều album để tìm kiếm cơ hội tham dự các sự kiện do công ty tổ chức chính là “hoạt động kinh doanh tệ nhất” của HYBE.
Chính vì vậy, K4P thực hiện biểu tình yêu cầu HYBE chấm dứt ngay lập tức các chiến lược tiếp thị khuyến khích mua album quá mức và góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Dayeon Lee, nhà vận động của Kpop4Planet tại Hàn Quốc, cho biết: “Ngành công nghiệp Kpop sẽ không thể phát triển như ngày nay nếu không có người hâm mộ. Vì vậy chúng tôi hy vọng HYBE sẽ lắng nghe tiếng nói của người hâm mộ và chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi nghe được câu trả lời của HYBE cho yêu cầu chấm dứt các chiến thuật tiếp thị album độc hại”.
Xu hướng lên án tình trạng rác thải nhựa quá mức trong ngành công nghiệp giải trí không chỉ xảy ra ở Kpop. Các biểu tượng âm nhạc toàn cầu như Taylor Swift đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì những hành vi tương tự. Trong khi nữ nghệ sĩ Billie Eilish lên án mạnh mẽ việc ngành giải trí ưu tiên doanh số bán hàng hơn trách nhiệm với môi trường.
Kurt Langer, Hội đồng quản trị của Music Sustainability Alliance cho biết: “Việc phát hành hàng chục phiên bản khác nhau của một album không chỉ gây hại cho hành tinh mà còn là một hình thức phân biệt đối xử về mặt kinh tế giữa những người hâm mộ, gửi đi thông điệp rằng những người hâm mộ trung thành nhất là những người có nhiều tiền nhất để chi tiêu”.
Backstage News