Khắp nơi trên cả nước, Trung thu - ngày Tết Đoàn viên đang trở nên rộn ràng hơn nhờ vào không khí của các chương trình, hoạt động chào đón, mừng ngày lễ truyền thống. Ngoài ra, đây còn là dịp để trẻ em được vui chơi, hòa mình vào thế giới tuổi thần tiên.
Nhân dịp Tết Trung thu truyền thống, nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đều tổ chức các lễ hội diễn ra một cách vui vẻ, an toàn, tiết kiệm và bổ ích. Qua đó, các khu vực, địa phương thể hiện sự quan tâm tới con trẻ cũng như thúc đẩy phát triển du lịch, tuyên truyền về ý nghĩa của Tết Trung thu truyền thống của người Việt và truyền tải những bài học sâu sắc thông qua nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc.
Nội dung
Thủ đô Hà Nội
Thời gian diễn ra: 15/9 – 1/10/2023.
Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công, các cá nhân và tập thể tổ chức chuỗi hoạt động trưng bày, trải nghiệm tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội và không gian phố tranh bích họa phố Phùng Hưng từ ngày 22 – 29/9/2023 với chủ đề “Sắc màu Trung thu xưa”.
Các địa điểm bao gồm Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – 50 Đào Duy Từ; Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây; Đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật – 22 Hàng Buồm; không gian phố tranh bích họa phố Phùng Hưng.
Bên cạnh khu vực Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, từ ngày 15/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu 2023”. Qua nhiều năm tổ chức, chương trình góp phần tạo ra một sân chơi để thiếu nhi và du khách có những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa, Tết Trung thu.
Ngoài ra, chương trình Đêm hội Trăng rằm “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài” ngày 29/9 (tức ngày 15/8 Âm lịch) sẽ được tổ chức tại không gian Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị trấn Sơn Tây trong thời gian từ 19h đến 22h30.
Cùng đó, 15 xã, phường, doanh nghiệp và các đơn vị quân đội trên địa bàn thị xã sẽ tham gia thi mô hình đèn Trung thu đẹp được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của đơn vị mình… Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các mô hình đèn Trung thu không chỉ đẹp về hình thức mà còn có ý nghĩa giáo dục, giúp các em thiếu niên, nhi đồng và du khách hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc.
Cùng đó, vào ngày thứ 7 (30/9) và Chủ nhật (1/10) Hà Nội sẽ trưng bày một số mô hình đạt giải trong Hội thi mô hình đèn trung thu đẹp thị xã Sơn Tây. Các mô hình sẽ được trưng bày tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban tổ chức mong muốn mang đến cho các em một sân chơi văn hóa bổ ích, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản văn hoá truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hoá di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.
Đọc thêm: Hoàng thành Thăng Long tổ chức sân chơi đặc sắc cho thiếu nhi dịp Trung thu
TP. Hồ Chí Minh
Thời gian diễn ra: 15/9 – 29/9/2023.
Trải qua hơn 50 năm hình thành, phố lồng đèn Lương Nhữ Học, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu lên đèn từ một tuần trở lại đây. Nơi đây là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn, thu hút người dân, trẻ em và các du khách tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh hoạt động tham quan, mua sắm, phố lồng đèn cùng các tuyến phố lân cận còn có nhiều hàng quán ẩm thực , thức uống, tham gia trò chơi có thưởng… Các gian hàng được nhiều gia đình cùng các bạn trẻ chọn trải nghiệm và thưởng thức. Tất cả đã tạo nên hình ảnh phố lồng đèn Lương Nhữ Học luôn tấp nập, nhộn nhịp bao năm qua, tô điểm thêm cho nhịp sống ở đô thị nhiều bản sắc văn hóa như Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong năm nay, “Ngày hội Trung thu năm 2023” được tổ chức vào chủ nhật (ngày 24/9) tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) cho 500 trẻ mồ côi vui Trung thu. Ban tổ chức đã lên kế hoạch chi tiết, chu đáo, an toàn để các trẻ được vui chơi trọn vẹn.
Theo ông Hoàng Văn Bá, Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch Phú Thọ, Giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen, năm nay chương trình tổ chức vui Trung thu cho 500 trẻ em và 500 phụ huynh đi kèm cũng như khách mời sẽ diễn ra tại sân khấu Ngôi Sao. Sân khấu này nằm biệt lập trên 1 ốc đảo với sức chứa gần 2.000 người, nơi đây có bờ hồ thoáng mát, không gian riêng tư, chỉ dành riêng cho chương trình Trung thu.
Chưa hết, ngoài các tiết mục nhảy hiện đại, xiếc, chú Cuội và chị Hằng – là những MC nổi tiếng đến từ Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Vĩnh Long sẽ khuấy động không khí và giao lưu cùng các em với các trò chơi vui nhộn trước khi mời các em nhận quà Trung thu (bao gồm bánh Trung thu, lồng đèn, tiền mặt…).
Tất cả những hoạt động trên với mong muốn tạo ra không khí vui tươi, ấm áp, hứa hẹn sẽ mang đến cho các trẻ và người thân một ngày hội Trung thu thật ý nghĩa, bù đắp những tổn thất tinh thần cho các em và gia đình sau đại dịch Covid-19.
Tuyên Quang
Thời gian diễn ra: 20/9 – 27/9/2023.
Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức vào mỗi dịp Tết Trung thu với những mô hình đèn Trung thu khổng lồ do người dân tự làm.
Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ 20 – 27/9 tại thành phố Tuyên Quang cùng với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV.
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Chương trình Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên” được tổ chức tối 23/9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (quy mô cấp quốc gia) với khoảng 60 mô hình đèn lồng tham gia biển diễn và diễu hành. Lễ hội đã nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo của những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân có kích thước “siêu khủng”. Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Đọc thêm: Khởi động lễ hội trung thu Tuyên Quang
Hội An (Quảng Nam)
Thời gian diễn ra: 26/9 – 30/9/2023.
Diễn ra từ ngày 26 – 30/9 (nhằm 12 – 16/8 âm lịch), Hội Tết Trung thu Quý Mão – Hội An 2023 hứa hẹn mang đến nhiều hấp dẫn với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc.
Mở đầu sự kiện là hội thi múa lân – múa thiên cẩu dành cho thiếu nhi đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố. Hội thi diễn ra vào ngày 27/9 kết hợp với chương trình văn nghệ “Đêm hội trăng rằm”.
Chương trình cũng tái hiện không gian “Đêm phố cổ” Hội An đầu thế kỷ 20 với đời sống tinh thần đa dạng cùng các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thơ ca, trò chơi bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống…
Các lớp dạy hát dân ca, đồng dao; trò chơi dân gian trẻ em; hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi trung thu… cũng được tổ chức dịp này, tạo cơ hội để trẻ em và người dân, du khách trải nghiệm, khám phá.
Đặc biệt, TP.Hội An sẽ tổ chức đoàn diễu hành đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu”. Đây là danh hiệu khẳng định những giá trị Tết Trung thu mang lại trong đời sống người dân gắn với các giá trị văn hóa truyền thống địa phương được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, tại Hội An dịp Trung thu, không thể không nhắc tới hoạt động thắp sáng sông Hoài thơ mộng bằng việc thả những chiếc đèn hoa đăng lung linh và nhiều màu sắc.
Phan Thiết (Bình Thuận)
Thời gian diễn ra: 27/9/2023.
Lễ hội Trung thu năm 2023 tại Phan Thiết (Bình Thuận) dự kiến có 29 lồng đèn lớn và 2.320 lồng đèn nhỏ. Lễ hội sẽ khai mạc vào lúc 18 giờ, ngày 27/9/2023 (nhằm ngày 13/8 âm lịch).
Hàng năm, khi những con gió heo mây nhẹ nhàng gọi mùa Thu về là người dân Bình Thuận lại nô nức chuẩn bị cho đêm hội đón trăng rằm tháng 8 rước đèn trung thu Phan Thiết. Lễ hội thường được diễn ra tại nhà hát thành phố biển Phan Thiết trong hai ngày 14-15/8 âm lịch hàng năm. Không gian chính của đêm hội là lễ rước đèn và múa lân sư rồng trong tiếng trống hội rộn rã dưới ánh trăng như dát bạc.
Lễ hội rước đèn trung thu Phan Thiết trở thành sân chơi thú vị và hấp dẫn không chỉ với thiếu nhi và người dân Bình Thuận mà còn thu hút đông đảo khách du lịch về đón Trung Thu. Lễ hội này tại Bình Thuận được xác lập kỷ lục là “Lễ hội rước đèn Trung Thu lớn nhất Việt Nam” theo sách kỷ lục Việt Nam Vietbooks.
Backstage News
Nguồn tổng hợp