MC sự kiện là người đảm nhận vai trò dẫn dắt và điều khiển các hoạt động trong sự kiện, tạo không khí sôi nổi và duy trì tính lôi cuốn của chương trình.
Gần đây, những tranh cãi xoay quanh cách dẫn dắt và xử lý tình huống của MC Tố Quyên trong liveshow Duy Mạnh – Tuấn Hưng đã thu hút sự chú ý của công chúng. Điều này đặt ra câu hỏi về vai trò cụ thể của MC sự kiện và cách họ nên xử lý tình huống như nào khi chương trình diễn ra vượt quá thời gian kế hoạch.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cụ thể về vai trò của MC và gợi ý cách xử lý khéo léo trong tình huống trên.
Nội dung
Vai trò cụ thể của MC sự kiện
MC (Master of Ceremonies) là linh hồn của một sự kiện, từ các buổi lễ trang trọng, các buổi họp báo, hội thảo, đám cưới, sự kiện âm nhạc đến các chương trình truyền hình. Một chương trình có hấp dẫn với người tham gia không cũng chính là nhờ vào sự khéo léo lôi cuốn mọi người qua giọng nói và những hành động của MC. Họ là người giữ vai trò kết nối giữa các phần của chương trình và tạo nên không khí trọn vẹn cho toàn bộ sự kiện.
Cụ thể, vai trò của MC sự kiện bao gồm:
Dẫn dắt chương trình theo kịch bản
Một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của MC là dẫn dắt chương trình và giới thiệu các phần của sự kiện. Điều này bao gồm việc giới thiệu các diễn giả, nghệ sĩ, câu chuyện hoặc bất kỳ hoạt động nào diễn ra trên sân khấu. Ngoài ra, MC phải truyền tải được thông tin của sự kiện đến những người tham gia, hướng đến mục đích chính của chương trình.
Chính vì vậy, MC trong sự kiện cần nắm vững kịch bản và thời lượng của từng phần, đảm bảo chương trình diễn ra suôn sẻ và đúng tiến độ. Họ phải biết cách giới thiệu và kết thúc mỗi phần một cách mượt mà, tạo sự liên kết logic cho toàn bộ sự kiện.
Tạo trải nghiệm tích cực cho khán giả
Một MC giỏi cần là một người có khả năng tạo ra một bầu không khí thoải mái, vui vẻ hoặc trang trọng tùy thuộc vào tính chất của sự kiện. Bằng cách sử dụng giọng nói, biểu cảm và tương tác duyên dáng với khán giả, MC giúp duy trì năng lượng và sự hứng thú trong suốt chương trình.
Ví dụ, trong một buổi tiệc cưới, MC cần tạo ra một bầu không khí vui vẻ, ấm áp và lãng mạn. Trong khi đó, trong một sự kiện âm nhạc, họ cần phải duy trì sự hào hứng, tinh thần nhiệt huyết và năng lượng tận hưởng âm nhạc giữa nghệ sĩ và khán giả.
Khả năng điều chỉnh giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và cách thức truyền đạt thông điệp giúp MC tạo ra không khí phù hợp và có thể làm cho khán giả cảm thấy thoải mái và hài lòng, từ đó tạo ấn tượng tốt về sự kiện. Bởi vậy, họ cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng tương tác với khán giả và khả năng xử lý tình huống linh hoạt.
Tương tác, gắn kết với nghệ sĩ và khách mời
Khả năng tương tác, gắn kết khán giả là một kỹ năng quan trọng giúp MC duy trì sự chú ý và tạo sự tham gia của khán giả vào sự kiện. Họ cần tạo điều kiện để nghệ sĩ và khách mời thể hiện tốt nhất, đồng thời giúp khán giả hiểu và cảm nhận được nội dung mà chương trình muốn truyền tải.
Xử lý tình huống phát sinh
Trong bất kỳ sự kiện nào, luôn có khả năng xảy ra các tình huống bất ngờ như thiết bị kỹ thuật gặp trục trặc, khách mời đến muộn, hoặc thay đổi đột xuất trong kịch bản. MC cần phải có kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt và khéo léo để đảm bảo sự kiện không bị gián đoạn. Họ có thể tạm thời chuyển sang một hoạt động khác hoặc sử dụng kỹ năng giao tiếp khéo léo của mình để duy trì sự chú ý của khán giả trong khi vấn đề kỹ thuật được khắc phục.
Chính bởi tầm quan trọng như trên nên để trở thành một MC là không đơn giản và để trở thành một MC “ăn khách” thì lại càng khó hơn nhiều. Bên cạnh những yếu tố về chuyên môn, ngoại hình thì người MC cần phải có một cái “duyên” thì mới có thể tạo sự chú ý đối với người xem.
Cách xử lý khéo léo khi chương trình vượt quá thời gian
Việc chương trình vượt quá thời gian kế hoạch là tình huống thường gặp. Dưới đây là những cách MC có thể áp dụng để xử lý tình huống này một cách tinh tế:
Linh hoạt điều chỉnh nội dung
MC cần nhanh chóng xác định những phần có thể rút ngắn hoặc lược bỏ mà không ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Họ nên ưu tiên các nội dung quan trọng và tìm cách giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy đủ.
Ví dụ, trong một lễ trao giải, nếu thời gian hạn chế, MC có thể tóm tắt phần giới thiệu và trực tiếp công bố người chiến thắng để tiết kiệm thời gian.
Giao tiếp hiệu quả với đội ngũ hậu trường
Việc liên tục cập nhật thông tin từ đạo diễn sân khấu và đội ngũ kỹ thuật là nhiệm vụ MC không thể lơ là để để nắm bắt thời gian và điều chỉnh lời dẫn. Điều này giúp MC có thể kiểm soát kịch bản, đảm bảo phần dẫn dắt phù hợp với tình hình thực tế. Đó là lý do tại sao chúng ta thường thấy MC luôn đeo tai nghe in-ear trong quá trình dẫn chương trình.
Sử dụng ngôn ngữ tinh tế để chuyển tiếp
Việc cắt lời hoặc thúc giục nghệ sĩ có thể gây mất thiện cảm. Chính vì vậy, thay vì cắt ngang hoặc thúc giục nghệ sĩ và khách mời đến với phần tiếp theo, MC nên để họ hoàn thành ý kiến trong sự kiện. Sau đó, MC có thể khéo léo sử dụng những câu chuyển tiếp nhẹ nhàng để dẫn dắt sang phần tiếp theo.
Ví dụ: “Cảm ơn những chia sẻ đầy ý nghĩa từ anh/chị. Để tiếp nối cảm xúc này, chúng ta hãy cùng đến với…”
Giữ thái độ chuyên nghiệp và bình tĩnh
Dù thời gian gấp rút, MC cần giữ giọng nói bình tĩnh, ngôn ngữ cơ thể thoải mái để không tạo áp lực cho khán giả và nghệ sĩ trước những thay đổi đột xuất.
Điển hình, khi sự kiện gặp sự cố về âm thanh khiến chương trình kéo dài thời gian, MC Hoàng Oanh đã bình tĩnh xử lý bằng cách tương tác với khán giả, kể một câu chuyện ngắn để giữ không khí sôi động trong khi chờ đội ngũ kỹ thuật khắc phục. Sự linh hoạt này giúp chương trình không bị gián đoạn và khán giả vẫn cảm thấy hài lòng.
Backstage News