Ngành sự kiện thế giới đang liên tục ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ và cập nhật xu hướng mới qua từng năm.
Theo báo cáo phân tích xu hướng và quy mô thị trường Ngành Sự kiện được thực hiện bởi Allied Market Research, thị trường ngành sự kiện toàn cầu dự kiến sẽ đạt 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2032, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,4% từ năm 2023 đến năm 2032.
Báo cáo cho biết yếu tố chính đằng sau sự mở rộng của thị trường ngành sự kiện là sự gia tăng tài trợ cho sự kiện trên quy mô toàn cầu. Năm 2023, những công ty hàng đầu trong các ngành hàng khác nhau đang đầu tư mạnh vào các sự kiện, chẳng hạn như các cuộc thi thể thao, đại nhạc hội,… như một công cụ chiến lược để quảng bá và nâng cao nhận thức về các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến những thay đổi trong xu hướng ngành sự kiện thế giới, phản ánh sự thích ứng nhanh chóng của ngành với các cập nhật và thay đổi trong nhu cầu của thị trường.
Dưới đây là 7 xu hướng hàng đầu của ngành sự kiện trong năm nay, theo Exploding Topics.
Nội dung
#1 Sự kiện kết hợp tiếp tục phát triển
Mặc dù các nhà tổ chức sự kiện ngày càng lựa chọn các sự kiện trực tiếp (on-site event) nhưng không có nghĩa các sự kiện ảo (virtual event) không còn tồn tại. Đặc biệt, sự kết hợp giữa sự kiện trực tiếp và sự kiện ảo (hay còn gọi là sự kiện kết hợp – hybrid event) dần được nhiều nhà tổ chức thế giới ưa chuộng.
Kết quả khảo sát của Kaltura – một công ty phần mềm cung cấp giải pháp video sự kiện có trụ sở tại New York, Mỹ đã chỉ ra hơn một nửa số nhà tổ chức sự kiện và CMO (Giám đốc Marketing) coi các sự kiện kết hợp là một phần quan trọng trong chiến lược của họ. Phần lớn các doanh nghiệp tổ chức sự kiện coi các sự kiện kết hợp gần như quan trọng như sự kiện trực tiếp.
Bizzabo, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý sự kiện, đã thực hiện một cuộc khảo sát với các chuyên gia trong ngành và cho ra kết quả rằng 97% số người được hỏi mong đợi sẽ thấy nhiều sự kiện kết hợp hơn trong tương lai.
Lý do bởi vì hybrid event cho phép sự linh hoạt và phạm vi tiếp cận rộng rãi của một sự kiện ảo, tăng cường sự tham gia của khán giả từ khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn đảm bảo sự kết nối, tương tác và trải nghiệm thực tế của một sự kiện trực tiếp. Ngoài ra, sự kiện kết hợp có thể giảm bớt chi phí so với việc tổ chức hoàn toàn trực tiếp, giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự kiện vẫn diễn ra dù có bất kỳ biến cố nào xảy ra.
#2 Sự kiện trở thành công cụ PR quan trọng
Trong bài phát biểu về Tình hình ngành năm 2021, ông Howard Givner, người sáng lập và giám đốc điều hành của Viện Lãnh đạo Sự kiện (Event Leadership Institute) đã dự đoán rằng các sự kiện doanh nghiệp sẽ dịch chuyển “từ nguồn doanh thu sang phương tiện tiếp thị”. Ngoài ra, sẽ không giới hạn số lượng người tham dự truy cập vào một sự kiện trực tuyến. Theo cách này, các sự kiện trực tuyến đã trở thành một hình thức truyền thông đại chúng giống như PR.
Theo Exploding Topics, hiện nay đang có khoảng 80% nhà tổ chức cung cấp sự kiện miễn phí cho người tham dự. Điều này cho phép mở rộng phạm vi tiếp cận của các sự kiện tới nhiều đối tượng khán giả – những người có thể là khách hàng tiềm năng.
Mặc dù việc tổ chức sự kiện miễn phí cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các sự kiện giảm sút. Tuy nhiên, một phần tổn thất này có thể được bù đắp thông qua doanh thu tài trợ. Các sự kiện miễn phí chính là “cơ hội vàng” để các nhà tài trợ, nhãn hàng quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ.
#3 Xu hướng tổ chức sự kiện quanh năm
Nếu như trước đây các doanh nghiệp hay công ty lớn thường tổ chức hội nghị hoặc đại nhạc hội, concert, lễ hội,… một năm một lần thì giờ đây, các sự kiện nhỏ (có thể kết hợp cùng hình thức trực tuyến) đang ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, chu kỳ tổ chức các sự kiện trở nên dày đặc và thường xuyên hơn trong năm.
Ví dụ như Lễ hội công nghệ và đổi mới Webit vốn được tổ chức hàng năm đã trở thành Nền tảng ảo toàn cầu, tổ chức hơn 12 sự kiện mỗi tháng. Các sự kiện thu hút hơn 250.000 người tham dự hàng tháng.
Tại Việt Nam, nhạc hội Những Thành Phố Mơ Màng (NTPMM) cũng là một điển hình. Mặc dù là đại nhạc hội quy mô lớn dành cho gần 10.000 khán giả, NTPMM vẫn liên tục tổ chức chuỗi đêm nhạc theo mùa, tổ chức khoảng 3-4 show một năm. Đặc biệt năm 2024, Ban tổ chức của nhạc hội này còn cho ra mắt tour âm nhạc mùa hè (NTPMM Summer Tour) với 3 đêm nhạc dừng chân ở 3 thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
#4 Tập trung vào trải nghiệm chuyển đổi
Sự gián đoạn toàn diện của ngành tổ chức sự kiện toàn cầu trong thời kỳ đại dịch đã khiến các nhà tổ chức đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của các sự kiện trong trong toàn xã hội.
“Đại dịch đã đưa ra một khái niệm mới cho ma trận suy nghĩ của những người làm tổ chức sự kiện rằng, việc này có cần thiết không? Nói cách khác, tổ chức sự kiện có đáng không?”, Teeg Stouffer, người đồng sáng lập Hiệp hội các chuyên gia tổ chức sự kiện Hoa Kỳ, cho biết.
Trang tin về ngành sự kiện Skift Meetings (trước đây là Event MB) đã khẳng định trật tự ưu tiên mới về xu hướng các sự kiện trong năm 2021 như sau:
- Kết nối ý nghĩa
- Giải trí
- Nội dung
Sau những ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch, các nhà tổ chức sự kiện tin rằng giá trị quan trọng nhất của sự kiện giờ đây là người tham dự sẽ được gặp những ai, trải nghiệm những gì và tạo ra những chuyển đổi như nào cho nhà tổ chức. Đó là những kết nối mà “thế giới ảo” khó có thể cung cấp được.
Điển hình tại các doanh nghiệp hiện nay, thay vì chỉ tổ chức các sự kiện công ty theo kiểu truyền thống, tập trung vào chia sẻ kiến thức, kết nối và phát triển nghề nghiệp, họ lại đầu tư thêm vào các sự kiện, chương trình được thiết kế trải nghiệm mang tính chuyển đổi, có thể củng cố động lực làm việc và thúc đẩy sự hợp tác trong tổ chức.
Đó là các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, teambuilding theo nhóm, giúp nhân viên có thể gắn kết bên ngoài văn phòng, xây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ đồng nghiệp sâu sắc hơn. Hay các đêm tiệc vinh danh, ghi nhận và ăn mừng thành tích của các cá nhân, đội, nhóm nhằm truyền cảm hứng và thúc đẩy động lực làm việc.
#5 Tăng cường đầu tư vào công nghệ sự kiện
Khi cốt lõi của mọi sự kiện là nhu cầu tương tác và chuyển đổi của khán giả, các nhà tổ chức sẽ tìm mọi phương pháp để đạt được điều này. Nắm bắt thế giới công nghệ sự kiện đang phát triển nhanh chóng chính là một giải pháp tối ưu. Việc ứng dụng công nghệ trong sự kiện không chỉ giúp tăng cường sự tham gia và trải nghiệm của khán giả mà còn giúp đơn vị tổ chức nổi bật so với đối thủ cạnh tranh.
Theo kết quả khảo sát của Exploding Topics, 40% người tổ chức sự kiện không hài lòng với các lựa chọn công nghệ có sẵn miễn phí. Điều này đồng nghĩa nhu cầu đầu tư cho công nghệ sự kiện đang ngày càng phổ biến. Trang tin này cũng cho biết, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tổ chức sự kiện đang gây chú ý nhờ mức định giá khổng lồ của họ.
Ví dụ, nền tảng sự kiện trực tuyến Hopin đã ghi nhận Hopin đã huy động được số tiền khổng lồ 1 tỷ USD sau khi ghi nhận số lượng người dùng tăng vọt. Nền tảng này bắt đầu với 1.800 người dùng và tăng lên 80.000 chỉ trong một năm. Hay nền tảng Welcome giúp tổ chức sự kiện ảo theo phong cách “keynote-style” của Apple đã thu về 6 triệu USD, sau khi chuyển đổi từ phần mềm nhà hàng.
Sự xuất hiện bùng nổ của hàng loạt các công nghệ sân khấu, trình diễn như drone, 3D mapping, hologram, kinetic,… tại thị trường sự kiện Việt Nam trong hơn 1 năm qua cũng là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng này.
#6 Các chuyên gia tổ chức sự kiện để nâng cao kỹ năng
Những phát triển nhanh chóng trong ngành tổ chức sự kiện liên tục yêu cầu những thay đổi về cơ cấu, công nghệ và kỹ năng chuyên môn của người làm tổ chức.
Có thể nói, ngành tổ chức sự kiện là một trong những lĩnh vực yêu cầu rất khắt khe về mặt kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Ngoài lý do sự kiện sẽ chỉ có thể diễn ra một lần, thì sự kiện cũng là nơi mang đến trải nghiệm cho số lượng lớn người tham dự, có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Chính vì vậy, người làm sự kiện nếu “sai một li” có thể “đi ngàn dặm”, mức độ ảnh hưởng và tổn thất không nhỏ.
Chưa kể, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành sự kiện toàn cầu, nếu các chuyên gia, nhà tổ chức sự kiện không chủ động học hỏi và nâng cao kỹ năng, sẽ dần không còn khả năng cạnh tranh trong ngành, hay nói cách khác là bị “đào thải”.
Để đáp ứng khoảng cách về mặt kỹ năng này, Viện Lãnh đạo Sự kiện đã phát hành một số khóa học (có chứng chỉ) mới trong các lĩnh vực như “Nhà chiến lược tiếp cận sự kiện” và “Nâng cao sự kiện với AI”.
Exploding Topics nhận định, nhu cầu tổ chức sự kiện để nâng cao kỹ năng của những chuyên gia trong ngành vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2024 và có thể là hơn thế.
#7 Xu hướng thu thập dữ liệu sau sự kiện
Các khảo sát, dữ liệu lớn được thu thập sau sự kiện có thể giúp các nhà tổ chức sự kiện hiểu được nhu cầu và mong đợi của khán giả, từ đó đưa ra những đáp ứng phù hợp.
Chris Cavanaugh, Giám đốc tài chính tạiFreeman, công ty tổ chức sự kiện hàng đầu Hoa Kỳ, nói rằng dữ liệu chính là chìa khóa giúp họ đi trước một bước so với mong muốn, nhu cầu và ý định của khách hàng.
“Và nếu chúng ta không khai thác được dữ liệu để hiểu khách hàng của mình, người khác sẽ lấy đi khách hàng của chúng ta”, ông Chris khẳng định.
Hiện nay, RFID (hay còn gọi là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng tần sóng vô tuyến) là một trong những cách phổ biến nhất được các nhà tổ chức sự kiện áp dụng để theo dõi và cải thiện trải nghiệm khách hàng sau sự kiện. Đây là một loại thẻ có thể được gắn vào dây đeo cổ tay, huy hiệu hay các sản phẩm khác mà khách mang theo khi tham dự sự kiện. Công nghệ này cung cấp cho nhà tổ chức những hiểu biết có giá trị về nhân khẩu học của khách hàng, bởi chúng có khả năng theo dõi luồng di chuyển của khách hàng, xác định vị trí khách hàng đang ở đâu trong sự kiện, khu vực nào khách hàng dừng chân lâu hơn,…
Trong các lễ hội âm nhạc lớn thế giới, đi đầu trong việc sử dụng công nghệ RFID là Coachella Valley Music and Arts Festival. Tại Việt Nam, sự kiện Ravolution Music Festival 2023 đã ứng dụng công nghệ này tích hợp trong vé cứng để phục vụ cho quá trình check-in, thanh toán thuận lợi của người tham dự.
Ngoài ra, các phương pháp truyền thống như thực hiện phiếu khảo sát, feedback online, chăm sóc khách hàng sau sự kiện,… vẫn là những phương pháp đang được ứng dụng phổ biến để thu thập dữ liệu về trải nghiệm khách hàng.
Backstage News
Nguồn: Exploding Topics