Số lượng nhân sự làm việc tại các nhà hát phụ thuộc vào quy mô và loại hình của nhà hát đó. Hiện nay, các nhà hát thường phân chia thành 2 loại: nhà hát chuyên để tập luyện, biểu diễn cho một số loại hình nghệ thuật cụ thể và nhà hát chuyên cho thuê làm địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà hát kiêm nhiệm cả 2 chức năng.
Nhà hát để tập luyện và biểu diễn có ê kíp sáng tạo riêng. Họ bao gồm giám đốc nghệ thuật, thiết kế sân khấu, đạo cụ, trang phục, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, đôi khi là cả giám đốc âm nhạc và biên đạo múa. Các chuyên gia cho từng lĩnh vực cụ thể sẽ được huy động thêm khi cần thiết. Trong nhà hát này, diễn viên và các tiết mục biểu diễn được dàn dựng và tập luyện dưới sự giám sát của giám đốc nghệ thuật.
Nhà hát cho thuê làm địa điểm tổ chức thường được các đơn vị thuê trong thời gian ngắn hạn để tổ chức các chương trình nghệ thuật.
Cả hai loại nhà hát này đều có cơ cấu nhân sự tương đối giống nhau. Một số vị trí có mô tả công việc cụ thể, một số khác do có nhiệm vụ đặc thù nên công việc sẽ thay đổi tùy theo quá trình nhân sự đó tham gia thực hiện chương trình.
Nội dung
Dưới đây là mô tả một số vị trí công việc phổ biến thường gặp tại các nhà hát:
1. Giám đốc điều hành
Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm quản lý nhà hát, đảm bảo để cả ê kíp tập trung cho quá trình sản xuất show, thực hiện các kế hoạch thu hút và lôi kéo khán giả đến xem chương trình, đảm bảo hiệu quả về tài chính cũng như nghệ thuật cho nhà hát. Họ có kế hoạch phát triển dài hạn cho các chương trình của nhà hát, có trách nhiệm chung điều phối về tài chính, nhân sự và xây dựng nhà hát. Hiệu quả công việc của họ được đánh giá bởi chủ sở hữu nhà hát hoặc cá nhân/tổ chức được ủy thác.
2. Giám đốc Marketing
Giám đốc marketing thực hiện các hoạt động quảng cáo và bán vé cho chương trình. Để làm được việc đó, họ điều hành toàn bộ mọi hoạt động truyền thông của nhà hát và quản lý các công cụ liên quan bao gồm tờ rơi, poster, thông cáo báo chí, brochure, website…. Họ quản lý chung về nội dung, thiết kế và quá trình sản xuất, phân phối các ấn phẩm này. Trong nhà hát có quy mô nhỏ, vai trò này bao gồm luôn cả nhiệm vụ làm việc với báo chí và quan hệ công chúng.
3. Giám đốc Kế hoạch
Không phải mọi nguồn thu của nhà hát đều đến từ hoạt động bán vé. Phần nhiều trong số đó đến từ các nguồn tài trợ, đóng góp và các dự án ngắn hạn. Giám đốc kế hoạch phụ trách triển khai các chiến lược gây quỹ, tìm kiếm nhà tài trợ và tìm kiếm đối tác. Họ thiết lập và duy trì các dự án ngắn hạn, phát triển các hoạt động sáng tạo để lôi kéo công chúng đến nhà hát nhiều hơn. Với các nhà hát nhỏ không có vị trí giám đốc kế hoạch, họ vẫn tự triển khai những đợt gây quỹ ngắn hạn tạo nguồn thu cho mình.
4. Phòng Tài chính
Họ quản lý doanh thu và các khoản thu chi của nhà hát. Giống như một doanh nghiệp, nhà hát cũng cần đảm bảo các nguồn thu đủ để chi trả cho việc duy trì hoạt động của mình. Quản lý tài chính trong các nhà hát đòi hỏi một khả năng chuyên môn rất tốt, bởi công việc này có rất nhiều rủi ro. Họ phải dự báo được doanh thu từ các hoạt động bán vé, cân đối chi phí quản lý, sản xuất.
5. Bộ phận bán vé
Họ phụ trách công việc bán vé tại quầy, bán qua điện thoại hoặc bán trực tuyến. Một số nhà hát quy mô lớn còn phát hành vé thông qua các đại lý để lượng vé được phân phối rộng rãi hơn.
6. Nhân viên phục vụ
Họ được ví như bộ mặt của một nhà hát, thời gian làm việc phụ thuộc vào thời gian biểu diễn của chương trình. Các nhân viên của bộ phân này bao gồm: Nhân viên soát vé và đón khách, hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí của mình trong nhà hát; Nhân viên bán hàng tại các quầy thực phẩm, đồ lưu niệm thuộc khu vực nhà hát, v.v… Tất cả các nhân viên này đều cần được huấn luyện cẩn thận và kỹ lưỡng về thái độ phục vụ, các quy trình đảm bảo an toàn và sức khỏe, bao gồm cả quá trình di tản khán giả nhanh chóng trong các trường hợp khẩn cấp.
7. Nhân viên vệ sinh
Họ duy trì và làm sạch nhà hát hàng ngày với thời gian làm việc phụ thuộc thời gian diễn ra chương trình.
NHÂN SỰ TRỰC TIẾP TẠO RA CÁC CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN
Để làm nên một chương trình nghệ thuật đòi hỏi ê kíp phải quy tụ rất nhiều nhân sự có trình độ chuyên môn cực cao, không chỉ là các diễn viên và nghệ sỹ. Phần lớn khán giả sẽ không bao giờ trực tiếp nhìn thấy quá trình làm việc của họ.
1. Giám đốc dự án
Người phụ trách dự án có trách nhiệm tìm kiếm nguồn tiền để thực hiện chương trình và quản lý các rủi ro tài chính có thể xảy ra. Họ cũng có trách nhiệm tạo dựng ê kíp các diễn viên, nghệ sỹ,… cần thiết cho show. Nếu nhà hát không phải đơn vị đầu tư trực tiếp cho show diễn đó, các Giám đốc dự án tự do hoặc một công ty chuyên sản xuất chương trình nghệ thuật sẽ đứng ra quản lý công việc.
2. Giám đốc nghệ thuật
Giám đốc nghệ thuật là người định hướng nghệ thuật cho cả quá trình sản xuất và điều hành chung cho đến khi show diễn ra mắt. Nếu làm việc cho nhà hát hoặc một đơn vị chuyên sản xuất chương trình nghệ thuật, họ sẽ trực tiếp chỉ đạo quá trình làm việc. Khi công việc sản xuất hoàn thành hoặc show bắt đầu lưu diễn, họ sẽ bàn giao công việc cho Stage Manager hoặc cấp phó trực tiếp của mình để những người này nắm được kịch bản đầy đủ của chương trình, các phân cảnh, các màn trình diễn âm thanh, ánh sáng cũng như bất cứ thay đổi nào khác liên quan.
3. Ê-kíp phụ trách sân khấu
Đây là ê kíp làm việc dưới quyền của Stage manager – trực tiếp quản lý các màn biểu diễn của show. Ê kíp này bao gồm: Stage Manager (SM), phó quản lý sân khấu (DSM), trợ lý cho Stage Manager (ASM). SM có trách nhiệm điều hành chung các màn biểu diễn trên sân khấu. DSM thường ngồi ở phía bên trái sân khấu, điều hành dựa trên kịch bản phân cảnh và kịch bản âm thanh, ánh sáng để đảm bảo các màn biểu diễn diễn ra suôn sẻ. Họ cũng điều phối nghệ sỹ, diễn viên từ phòng thay đồ hoặc phòng nghỉ ra vào sân khấu theo đúng thứ tự và thời gian biểu diễn. Thông báo tới các nghệ sỹ sẽ được báo trước 30 phút, 15 phút và 5 phút trước khi rèm sân khấu được kéo lên. Các thông báo hay lưu ý khán giả được phát trên loa trước và sau khi chương trình diễn ra cũng đến từ phía DSM. ASM thường chạy hai bên cánh gà phía sau sân khấu, sắp đặt đạo cụ và đảm bảo các màn chuyển cảnh chính xác, nhanh chóng theo yêu cầu.
4. Quản lý nghệ sỹ
Quản lý nghệ sỹ có trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động của nghệ sỹ trong chương trình, bao gồm cả việc thỏa thuận về lương và chế độ làm việc. Họ đi lưu diễn cùng các nghệ sỹ. Họ có trách nhiệm tương đương với các Stage Manager khi chương trình diễn ra và sau khi buổi diễn kết thúc, họ là đầu mối liên hệ giữa nghệ sỹ và đơn vị thực hiện. Nơi họ thường xuyên xuất hiện nhất là khu vực dành cho nghệ sỹ ở phía sau sân khấu.
5. Giám đốc sản xuất
Giám đốc sản xuất có trách nhiệm đảm bảo tất cả các yêu cầu liên quan đến kỹ thuật và dàn dựng trong quá trình sản xuất cho chương trình. Một số nhà hát có riêng chức danh giám đốc sản xuất hoặc giám đốc kỹ thuật, phụ trách làm việc với ê kíp sáng tạo để cùng đưa ra phương án thực hiện cho các đạo cụ, trang phục, âm thanh, âm nhạc, ánh sáng, hình ảnh… trong chương trình. Họ cũng làm việc với giám đốc nghệ thuật, giám đốc âm nhạc, biên đạo múa để tham gia quá trình hiện thực hóa các ý tưởng của ê kíp sáng tạo.
6. Phòng kỹ thuật
Bộ phận này phụ trách tất cả các vấn đề về kỹ thuật của show diễn, bao gồm sự an toàn và hiệu quả sử dụng của các thiết bị. Các nhân viên kỹ thuật thường bao gồm nhân viên phụ trách âm thanh, ánh sáng và một phần của Backstage run crew sẽ chịu trách nhiệm cho các hiệu ứng đặc biệt như tạo khói, pháo lửa. Do đặc thù công việc nên bộ phận này có thể phải thường xuyên làm việc vào ban đêm.
7. Dàn nhạc
Dàn nhạc phụ trách phần âm nhạc cho các chương trình ca nhạc, các vở opera, balet và kịch… Một số nhà hát còn có cả một dàn nhạc hợp xướng rất đông người, mặc dù đôi khi yêu cầu của chương trình có thể chỉ cần sử dụng một phần nhỏ trong số đó. Những chương trình hòa nhạc và ca nhạc đặc biệt thường tự chuẩn bị dàn nhạc riêng của họ.
8. Stage crew
Thường được gọi là các #Stagehand, họ có nhiệm vụ sắp đặt các đạo cụ và chuyển cảnh trong show. Họ cũng điều khiển và vận hành các máy móc, thiết bị hỗ trợ trong show ở khu vực sau sân khấu, ví dụ: bàn nâng, tời, ròng rọc, v.v… Phần lớn đội ngũ Stage crew được training để thực hiện công việc đặc thù trong từng show diễn cụ thể.
9. Fly men
Fly men là ê kíp phụ trách thực hiện các tiết mục có phần đẩy hoặc nâng diễn viên/đạo cụ bay lên cao khỏi sàn sân khấu. Các tiết mục này thường sử dụng một hệ thống đối trọng hoặc thiết bị nâng/kéo bằng điện để hỗ trợ. Trước đây, khi giá nhân công còn thấp, các nhà hát thuê nhiều lao động phổ thông và những màn này thường được thực hiện thủ công bằng cách có cả một đội kéo các diễn viên/đạo cụ lên cao hoặc hạ xuống bằng dây thừng. Một số nhà hát cũ hiện nay vẫn còn sử dụng biện pháp thủ công này hoặc dùng kết hợp giữa sức người và hệ thống đối trọng hoặc các thiết bị điện hỗ trợ.
Xem thêm: Một số loại sân khấu trong nhà hát
BackStage Event st & dịch