/hɔɪst/ (danh từ)
Pa – lăng
Pa – lăng /hɔɪst/ (hay còn gọi là Hoist – danh từ) là một thiết bị cơ khí sử dụng cơ cấu bánh xích để tăng/giảm lực cơ học giúp nâng hoặc di chuyển các vật thể nặng trong xây dựng, chế tạo và nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm cả ngành tổ chức sự kiện.
Cơ chế hoạt động chung của pa – lăng thì dựa trên nguyên tắc sử dụng lực đòn bẩy để tạo ra lực nâng lớn hơn so với lực áp dụng lên nó, cấu tạo của pa lăng gồm ba bộ phận chính: xích nâng, cơ cấu nâng và móc.
- Xích nâng (Lifting Chain): chuỗi xích chắc chắn được sử dụng để nâng hoặc hạ vật thể. Xích nâng thường làm bằng thép có độ bền cao để đảm bảo an toàn khi nâng các tải nặng. Một đầu của xích nâng thường được gắn vào cơ cấu nâng, đầu còn lại được nối với móc.
- Cơ cấu nâng (Lifting Mechanism): bộ phận có chức năng tạo lực để nâng hoặc hạ vật thể. Cơ cấu này thường bao gồm một bộ truyền động (thường là động cơ điện) và một hệ thống bánh răng và ròng rọc để tạo ra lực kéo xích nâng. Cơ cấu nâng thường được điều khiển bằng một bộ điều khiển từ xa hoặc bằng tay để tăng hoặc giảm tải.
- Móc (Hook): là bộ phận được sử dụng để kết nối với vật thể cần nâng hoặc hạ. Móc thường có thiết kế chống trượt để đảm bảo vật thể được nâng không bị mất kết nối. Móc được gắn vào cuối xích nâng và được treo lên vật thể cần nâng.
Cơ chế hoạt động của pa – lăng
Có 4 loại pa lăng cơ bản: xích điện, cáp điện, xích kéo tay và xích lắc tay. Mỗi loại đều có một cách vận hành riêng.
Ví dụ trong pa – lăng xích kéo tay, để nâng một tải, người vận hành pa lăng xích cần kéo xích tay xuống, điều này sẽ làm quay bánh răng và trục đi qua cơ cấu nâng. Bên trong cơ cấu nâng là nhiều bánh răng giúp tăng cơ học tác dụng khi kéo xích kéo tay lên hàng chục lần bằng cách sử dụng tỷ số truyền, tạo ra một lực lớn giúp di chuyển vật thể lên xuống theo phương thẳng đứng, cho phép dễ dàng nâng các vật có tải trọng nhiều tấn.
Qua thời gian, pa – lăng đã ngày một phát triển hiện đại hơn, tối ưu hơn khi có thể được lập trình mã code, giúp tích hợp vào xây dựng cũng như trực tiếp “biểu diễn sân khấu”. Giờ đây, sân khấu có thể dễ dàng thay đổi hình dạng nhờ vào hệ thống ròng rọc được gắn trên những khung cố định, biến đổi từ một sân khấu “tĩnh” thành một sân khấu “động” tùy theo mức độ sáng tạo của người lập trình, tăng năng suất lao động và giảm thiểu sai sót do người sử dụng gây ra.
Bên cạnh đó, pa – lăng lập trình tự động còn bao gồm cảm biến đo lường sử dụng để theo dõi các thông số như tải trọng, áp suất, độ cao, v.v., giúp đảm bảo hoạt động an toàn và chính xác và có thể điều khiển từ xa.
Với công nghệ tiên tiến của pa – lăng/hoist hiện nay, người làm nghề sự kiện sẽ có thêm một lựa chọn sử dụng công nghệ mới cho chương trình, tô điểm làm mới lạ hơn cho sân khấu sự kiện lớn trong tương lai.
Backstage News