Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần tìm lại chỗ đứng của mình nhờ vào sự “làm mới” và lan tỏa theo một cách rất riêng của thế hệ trẻ.
Ở Việt Nam, mỗi nơi đều sở hữu cho riêng mình một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn và bản sắc vùng miền như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế hay ca trù, hát xẩm, chầu văn,… ở các tỉnh Bắc Bộ. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, thập kỷ vừa qua chứng kiến sự chật vật của nghệ thuật truyền thống trong việc tìm lại thời hoàng kim trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại.
Trước những lo ngại việc người trẻ không còn quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống vì “khó tiếp cận”, vẫn có một phần giới trẻ đang có khuynh hướng sống chậm lại để cảm nhận, hiểu rõ hơn về nền văn hóa nghệ thuật truyền thống. Bằng tinh thần đam mê tìm tòi, sáng tạo cùng sự trân trọng và yêu mến văn hóa dân tộc, những dự án “làm mới” nghệ thuật truyền thống vẫn liên tục được các bạn trẻ cho ra mắt.
Giới trẻ “làm mới” nghệ thuật truyền thống
Cuối tháng 4 vừa qua, chương trình âm nhạc MAY Show: Dệt chút vấn vương tại Ninh Bình đã đồng hành cùng Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) đưa nghệ thuật hát Xẩm đến gần hơn với khán giả trẻ. Với xẩm đàn – xẩm kể – xẩm ca, khán giả được thưởng thức những màn trình diễn hát Xẩm hấp dẫn như “Tứ hải giao tình”, “Cô gái quay tơ”, “Tre Việt Nam”…
Đọc thêm: MAY Show: Bữa tiệc âm nhạc đa sắc màu
Đặc biệt nhất là tiết mục “Xẩm Ở Trọ” – sự kết hợp giữa “chất ngông” của người hát Xẩm xưa với phiên bản “Ở Trọ” của ca sĩ Hà Lê, tạo nên sự giao thoa văn hóa truyền thống và hiện đại mới mẻ.
Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) ra đời từ năm 2016 với các thành viên gồm nhiều bạn trẻ gen Z. Nhằm khôi phục và phát triển nghệ thuật hát Xẩm, VICH từng tổ chức nhiều chương trình như Canh quan họ đầu năm 2023, nghe câu chuyện thời đại trong chiếu xẩm trong sự kiện Tết show – Xẩm Tonkin khai xuân 2024 hay dự án Di sản trong lòng phố, mang hát xẩm trở lại phố Hà Nội.
Ngày 13/5 vừa qua, một nhóm bạn trẻ gen Z khác cũng tổ chức sự kiện Dạ lan canh – kết hợp biểu diễn hát quan họ với talkshow giải mã lối hát canh quan họ cổ Bắc Ninh. Qua đây, các bạn trẻ muốn truyền niềm cảm hứng với loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Đánh thức” văn hóa nghệ thuật bằng công nghệ hiện đại
Những chương trình tìm hiểu và tham quan các di tích, di sản văn hóa lịch sử như các tour đêm của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long hay Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng ngày càng thu hút đông đảo giới trẻ bởi loạt trải nghiệm đầy độc đáo và mới lạ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và nét văn hóa cổ kính, những không gian di tích, di sản vốn quen thuộc bỗng được “sống dậy”, mang đến cho du khách những khám phá mới lạ, đầy thú vị và sâu sắc về vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Có thể thấy, thế hệ trẻ đã và đang từng bước đến gần hơn với văn hóa nghệ thuật, lưu giữ và lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật truyền thống trong nước và quốc tế. Tất nhiên, để tồn tại lâu dài, nghệ thuật truyền thống Việt Nam buộc phải khẳng định bằng chất lượng của riêng mình. Đặc biệt, những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng giúp các loại hình nghệ thuật truyền thống dễ tiếp cận với giới trẻ trong thời đại mới.
Chị Đinh Thảo – phó giám đốc VICH – chia sẻ để đi được những bước dài, bước lớn thì các bạn trẻ phải đi những bước nhỏ, song lớn hay nhỏ cũng đều chăm chút, tâm huyết cho nó. Với mỗi sự kiện, các bạn trẻ cần phải phân tích đối tượng khán giả đến thuộc lớp công chúng nào, độ tuổi, ngành nghề ra sao và có mong muốn gì, sau đó xây dựng hành trình trải nghiệm phù hợp.
Backstage News