Tính bền vững trong tổ chức sự kiện có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong việc thực hành thân thiện với môi trường và thúc đẩy trách nhiệm xã hội.
Giờ đây, các nhà tổ chức sự kiện đang đồng thời dần đảm nhận vai trò của một người quản lý môi trường. Bởi vì một sự kiện có thể tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và tài nguyên. Lượng chất thải ra môi trường sau sự kiện cũng không phải con số nhỏ. Bên cạnh việc hoạch định thành công cho sự kiện, nhà tổ chức cũng cần cân nhắc kết hợp các chiến lược bền vững để sự kiện mang lại dấu ấn tích cực cho môi trường.
Nội dung
Thiết lập nền tảng: Tích hợp tính bền vững vào kế hoạch
Tính bền vững nên được bắt đầu ở giai đoạn lập kế hoạch. Có kế hoạch kỹ lưỡng cho việc thực hành bền vững sẽ giúp đơn vị đủ khả năng tổ chức một sự kiện bền vững trơn tru, hiệu quả.
Các nhà tổ chức sự kiện nên tiến hành nghiên cứu toàn diện, xác định các yếu tố giúp tạo nên một sự kiện bền vững. Chẳng hạn như lựa chọn địa điểm ưu tiên thực hành thân thiện với môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, có hệ thống quản lý chất thải hợp lý. Bên cạnh đó là kế hoạch sử dụng nguyên liệu xanh, quản lý chất thải, truyền thông về thực hành bền vững,…
Sự kiện “Ngày hội sống xanh cùng Gen G” trong chiến dịch “Cùng Gen G sống xanh đi” do Panasonic thực hiện vào đầu năm nay là một ví dụ điển hình cho việc tích hợp tính bền vững vào toàn bộ kế hoạch tổ chức.
Ngoài ra, làm việc và hợp tác với các khách hàng và nhà cung cấp có cùng giá trị cũng rất quan trọng. Nhà cung cấp “xanh” có thể mang đến các giải pháp bền vững cho các khía cạnh khác nhau của sự kiện, bao gồm trang trí, phục vụ ăn uống và vận chuyển. Khách hàng có cùng mục tiêu sẽ giúp truyền thông và truyền cảm hứng về thực hành bảo vệ môi trường và tổ chức các sự kiện bền vững.
Giảm chất thải: Quản lý tài nguyên sử dụng trong sự kiện
Quản lý chất thải hiệu quả là một trong những chìa khóa để duy trì tính bền vững trong các sự kiện.
Người lập kế hoạch có thể khuyến khích việc giảm thiểu chất thải bằng cách tránh các vật dụng dùng một lần, chẳng hạn như dao kéo, chai nhựa. Thay vào đó, nhà tổ chức nên chọn các giải pháp thay thế có thể tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học.
Tận dụng phát triển công nghệ để thay thế giấy cũng là một cách giảm rác thải sự kiện hiệu quả. Hiện nay, đã có rất nhiều sự kiện bán vé thay thế vé giấy bằng vé điện tử, mã QR nhằm giảm thiểu vé giấy hoặc vé bằng thẻ nhựa. Nhiều sự kiện về hội nghị, hội thảo cũng đã áp dụng thay thế các sản phẩm in ấn bằng tài liệu trực tuyến trên phần mềm.
Nhà tổ chức cũng có thể liên kết hợp tác với các đơn vị thu gom tái chế backdrop, standee, băng rôn nhằm giảm thiểu chất thải từ các vật liệu khó phân hủy này. Hiện nay đã các tổ chức, đơn vị nhận thu gom các sản phẩm in ấn bằng bạt để “tái vòng đời” hướng tới bảo vệ môi trường như thương hiệu Dòng Dòng sản xuất balo, túi ví từ vải bạt tái chế; tổ chức Green BackDrop chuyên thu gom banner, backdrop, standee từ các sự kiện,…
Ngoài ra, các thùng rác được phân loại tái chế và dán nhãn rõ ràng cần được sắp đặt đầy đủ trong sự kiện. Đây là một bước quan trọng khác giúp đơn vị quản lý chất thải hiệu quả. Việc thực hiện kiểm tra lượng chất thải trước và sau sự kiện cũng cho thấy được các lĩnh vực cần cải thiện. Từ đó cho phép nhà tổ chức điều chỉnh các chiến lược giảm thiểu chất thải cho các sự kiện trong tương lai.
Tiết kiệm năng lượng: Đề cao bền vững trong thiết kế sự kiện
Bảo tồn và tiết kiệm năng lượng là một khía cạnh quan trọng khác để tổ chức sự kiện bền vững. Người lập kế hoạch có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng trong sự kiện bằng cách sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Bóng đèn LED hoặc CFL là một giải pháp hiệu quả. Ánh sáng tự nhiên cũng nên được tận dụng bất cứ khi nào có thể.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý điện thông minh cũng có thể được triển khai để đảm bảo sử dụng điện hiệu quả. Ngoài ra, việc kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo, như các tấm pin mặt trời hoặc tua-bin gió, có thể giúp giảm lượng khí thải carbon của sự kiện và thúc đẩy một môi trường năng lượng xanh hơn.
Thúc đẩy giao thông bền vững: Giúp di chuyển xanh và nhanh hơn
Giao thông di chuyển đến sự kiện sẽ tạo ra một lượng khí thải carbon đáng kể vào môi trường. Nhà tổ chức sự kiện có thể khuyến khích người tham dự lựa chọn phương tiện đi lại thân thiện với môi trường hơn như đi chung xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tại lễ hội âm nhạc Ravolution Music Festival 2023 vào tháng 5 mới đây, BTC đã hợp tác cùng PinBus tài trợ miễn phí tuyến xe bus 2 chiều dành cho khán giả đã mua vé tham dự. Ngoài ra, BTC cũng đưa thêm thông tin về tuyến bus của VinBus nhằm khuyến khích người tham dự di chuyển bền vững. Đặc biệt khi đây đều là 2 phương tiện hoạt động bằng điện, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, thúc đẩy các hoạt động đi xe đạp hoặc cung cấp dịch vụ đưa đón bằng phương tiện ít khí thải cũng có thể mang đến các tác động tích cực. Thúc đẩy giao thông bền vững không chỉ giúp môi trường xanh hơn mà còn giúp di chuyển nhanh hơn, vì giảm phương tiện sẽ giảm tắc nghẽn.
Truyền thông và truyền cảm hứng cho thực hành bền vững
Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của mỗi sự kiện đối với người tham dự. Do vậy, nhà tổ chức nên có chiến lược thu hút mạnh mẽ người tham dự tới với sự kiện bền vững của mình. Đồng thời có kế hoạch truyền thông và truyền cảm hứng cho những thực hành bền vững, cả trong và ngoài sự kiện.
Các sự kiện như ngày hội đổi đồ, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, Giờ Trái Đất,… đang càng ngày càng trở nên quen thuộc với người Việt. Đây đều là những sự kiện có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hiểu biết người tham dự trong việc thực hành bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất, “Ngày hội sống xanh” (3-4/6 tại TP. HCM) đã có 34 doanh nghiệp, đơn vị với 48 gian hàng tham dự để giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ, dịch vụ thân thiện với môi trường và trao đổi, thu gom chất thải, sản phẩm đã qua sử dụng.
Năm 2022, triển lãm “Sống mới với cũ” với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ đồ cũ cũng đã truyền cảm hứng lớn tới cho người xem về lối sống tiêu dùng bền vững thông qua việc tích cực tái sử dụng, tái chế đồ cũ, là, giảm áp lực sản xuất lên môi trường.
Ngoài ra, nhà tổ chức có thể kết hợp các triển lãm tương tác, hội thảo hoặc thảo luận nhóm về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững. Cộng tác với các tổ chức bảo vệ môi trường địa phương hoặc mời diễn giả, khách mời là các chuyên gia về phát triển bền vững để nâng cao trải nghiệm giáo dục. Việc khuyến khích người tham dự tham gia vào các sáng kiến có ý thức về môi trường hoặc các chương trình bù đắp carbon giúp thúc đẩy tinh thần, nhận thức cá nhân và cộng đồng trong trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Đo lường hiệu quả bền vững: Đánh giá và cải thiện liên tục
Để đảm bảo tính bền vững hiệu quả liên tục, nhà tổ chức sự kiện cần phải thường xuyên đo lường hiệu quả của những nỗ lực trong việc “xanh hóa” sự kiện và liên tục tìm cách cải thiện. Ngay sau sự kiện, nhà tổ chức nên tiến hành đánh giá, đo lường mức tiêu thụ tài nguyên, tỷ lệ chuyển hướng chất thải và phản hồi của người tham dự về những thực hành thân thiện với môi trường. Điều này cho phép các nhà tổ chức xác định được điểm mạnh cần phát huy và lĩnh vực cần cải thiện.
Bằng cách phân tích và học hỏi từ mỗi sự kiện, nhà tổ chức có thể tinh chỉnh các chiến lược của mình, chia sẻ các phương pháp hiệu quả và đóng góp vào nỗ lực chung, giúp ngành sự kiện trở nên bền vững hơn.
Kết luận
Khi tính bền vững trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực, ngành tổ chức sự kiện có thể có cơ hội trở thành “người dẫn đầu”, nếu các đơn vị sự kiện có nhận thức đến việc tổ chức sự kiện bền vững ngay từ bây giờ. Hành trình làm “xanh hóa” các sự kiện đang bắt đầu trở thành xu hướng được ưu tiên hơn cả. Tiếp tục theo con đường này, các đơn vị tổ chức sự kiện sẽ mang đến những đóng góp không nhỏ cho một tương lai xanh hơn. Đồng thời, truyền cảm hứng cho sự thay đổi lớn trong ngành sự kiện và hơn thế nữa.
Backstage News
Nguồn: EFAQ