Trong sân khấu, bên cạnh yếu tố âm thanh thì ánh sáng chính là ngôn ngữ giúp biểu đạt nội dung, tâm trạng mà nghệ sĩ cũng như đạo diễn mong muốn thể hiện cho khán giả. Trong các chương trình sự kiện giải trí, ánh sáng kết hợp với âm thanh tạo nên những cảm xúc cao trào và hiệu ứng thị giác ấn tượng cho người xem. Ở bất kỳ hình thức sự kiện nào, vai trò của ánh sáng là cực kỳ quan trọng và người thiết kế ánh sáng xứng đáng là một người nghệ sĩ.
Tại Việt Nam, thiết kế ánh sáng cũng là một ngành nghề mới mẻ và chỉ có một nơi đào tạo chính quy duy nhất là trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Tuy nhiên trên thực tế, đa phần những người thiết kế ánh sáng sự kiện đều trưởng thành từ quá trình tự học. Chúng ta cũng chỉ gặp được các nhân sự thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp trong những chương trình giải trí quy mô lớn hoặc những show diễn có hàm lượng nghệ thuật cao.
Mặc dù vậy, ở góc độ công việc của một Event Planner, các bạn cũng cần phải hiểu về các nguyên tắc thiết kế ánh sáng cơ bản để phối hợp cùng với người thiết kế ánh sáng hoặc chủ động hơn trong công việc của mình.
Dưới đây là 5 nguyên tắc cơ bản về ánh sáng mà theo quan điểm của Backstage, những người làm sự kiện cần phải nắm vững để lên ý tưởng và sắp xếp nội dung kịch bản phù hợp.
Nội dung
1. Chức năng của từng thiết bị
Trên thị trường ngành tổ chức sự kiện hiện nay chủ yếu đang cung cấp những thiết bị chiếu sáng cơ bản. Vậy nên sẽ không quá khó để các bạn tìm hiểu và nắm rõ chức năng, công dụng của từng loại đèn chiếu sáng. Một số loại quen thuộc mà các event planner có thể kể tên như: đèn Parled, Parcan, Moving head, Follow Spotlight…
Khi biết về công dụng của mỗi loại thiết bị và chịu khó quan sát, rút kinh nghiệm từ các sự kiện tương tự, bạn sẽ biết cách sử dụng những loại đèn nào phù hợp cho chương trình của mình.
2. Hướng chiếu sáng
Để cho dễ hiểu thì hướng chiếu sáng chính là vị trí mà bạn dự định sẽ đặt nguồn sáng (đèn) để tạo hiệu ứng như mong muốn.
Ví dụ: Muốn sáng mặt diễn giả, người phát biểu trên sân khấu các bạn cần đặt nguồn sáng (đèn) phía trước chiếu về người hoặc vật thể cần sáng.
Trong các sự kiện thông thường, các bạn sẽ gặp những hướng chiếu sáng cơ bản sau:
Hướng mặt: Là vị trí đặt nguồn sáng phía trước sân khấu hướng về diễn viên hoặc vật thể trên sân khấu. Hướng chiếu sáng này giúp người xem nhìn rõ nhân vật trên sân khấu.
Hướng đỉnh: Là vị trí đặt nguồn sáng phía trên đỉnh đầu nhân vật hoặc vật thể.
Hướng ngược: Là hướng chiếu sáng có nguồn sáng đặt phía sau lưng của nhân vật hoặc vật thể, ngược lại với hướng mặt.
Hướng bên (gà): Là hướng chiếu sáng đặt ở 2 bên hông của nhân vật, trong sân khấu có 2 cánh gà 2 bên nên thường gọi là hướng gà để chỉ việc nguồn sáng được thiết kế tại đó để chiếu sáng 2 bên hông hoặc 2 má của diễn viên.
3. Góc chiếu sáng
Kết hợp cùng hướng chiếu sáng, bạn cũng cần quan tâm đến góc chiếu sáng. Góc chiếu sáng giúp cho ánh sáng đạt được mục tiêu và chiếu sáng đúng điểm.
Trong lý thuyết ánh sáng có 1 con số phổ biến là góc 45 độ. Đây được đánh giá là góc chiếu sáng hợp lý cho vật thể trên sân khấu. Ngoài ra, đặt nguồn sáng ở những góc khác nhau so với diễn viên cũng tạo hiệu ứng ánh sáng khác biệt thể hiện được nội dung muốn truyền tải.
4. Màu sắc ánh sáng sân khấu
Màu sắc chính là cách thể hiện cảm xúc mà không cần nói thành lời. Ánh sáng có 1 số màu sắc quy định cảm xúc mà nó đại diện, tuy nhiên với những người thiết kế ánh sáng hiện đại, không có quy tắc về màu sắc cố định nào hết, việc pha trộn màu sắc là gu thẩm mĩ của mỗi người để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo riêng.
Tuy nhiên Event Planner cũng cần nắm bắt những nguyên tắc màu sắc ánh sáng cơ bản để chủ động hơn trong việc sử dụng kịch bản.
5. Cường độ sáng
Sau khi đã đặt hướng chiếu, góc chiếu và màu sắc, ánh sáng cũng cần phải có cường độ sáng phù hợp. Không nên để một cảnh trữ tình, sâu lắng mà ánh sáng lại có cường độ sáng trưng hoặc những màu sắc sôi động nóng bỏng.
Cường độ sáng là yếu tố để hoàn thiện mạch cảm xúc của sân khấu. Vì thế sử dụng cường độ sáng một cách linh hoạt sẽ giúp sân khấu trở nên tinh tế hơn.
Đối với một Event Planner tại Việt Nam thì toàn bộ quá trình sắp xếp bố cục ánh sáng đều diễn ra… trong đầu. Vì thế những yếu tố trên giúp các bạn định hướng rõ hơn những gì muốn thể hiện trong nội dung chương trình và trao đổi lại với người thiết kế ánh sáng giúp thể hiện rõ ý đồ của kịch bản.
Ngoài ra trong thiết kế ánh sáng cũng có những hướng dẫn về ánh sáng cụ thể cho từng loại hình nghệ thuật giúp Event Planner hình dung phần nào về cách thể hiện yếu tố nghệ thuật này trên sân khấu. Nhưng trước tiên các bạn nên nắm được những yếu tố cơ bản trên để làm tốt công việc của mình nhé.
Backstage