Không chỉ sự kiện lễ hội truyền thống, các sự kiện lễ hội mới cũng dần hình thành thương hiệu du lịch địa phương, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Những năm qua, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở nhiều nước Ðông Nam Á. Các lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, cách thức tổ chức cũng ngày càng đổi mới, chuyên nghiệp hóa với nhiều hoạt động thu hút du khách. Chính điều đó khiến một thành phố ban đầu là bình thường có thể trở thành “thành phố lễ hội”. Thậm chí, không ít lễ hội đã trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Nhìn ra quốc tế, điển hình có thể kể đến lễ hội té nước Songkran, lễ hội thả đèn lồng (Thái Lan), lễ hội nghệ thuật Bali (Indonesia), lễ hội đua thuyền (Lào) hay xa hơn nữa là lễ hội Carnival (Rio De Janeiro, Brazil) được đánh giá là lễ hội ấn tượng nhất với sự tham gia diễu hành của hàng triệu người trong điệu nhạc samba truyền thống, trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Nội dung
Đòn bẩy kinh tế du lịch
Tại Việt Nam, các sự kiện lễ hội cũng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thu hút du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ cho địa phương mà còn cho cả nước. Những kết quả thực tế đã chứng minh sự phối hợp hiệu quả giữa hai ngành Văn hóa và Du lịch, cũng như sự quyết tâm và tập trung triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.Cụ thể là Quyết định số 1755/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện đang có hơn 8000 sự kiện và lễ hội các loại. Nhiều lễ hội và sự kiện trước đây không phải là sản phẩm du lịch, nhưng nay đã trở thành một trong những nét hấp dẫn du khách tới địa phương, tạo nên thương hiệu cho thành phố.
Điển hình, Lễ hội Sông nước TPHCM 2024 vừa qua đã tạo ra “cú nổ” lớn về truyền thông, mang về cho du lịch TP.HCM doanh thu 4.250 tỷ đồng. Sở Du lịch TP.HCM cho biết lễ hội diễn ra trong 10 ngày với gần 20 hoạt động đã thu hút 4,5 triệu lượt người dân thành phố và du khách tham gia.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách trong dịp diễn ra Lễ hội đã tăng từ 40% – 50% so với thường kỳ. Chưa kể, chương trình đã nhanh chóng tạo thành cơn sóng trên mạng xã hội khi thu hút hơn 157.100 lượt tương tác và 36.500 lượt thảo luận ngay sau đêm khai mạc.
Vừa qua, tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 cũng đã khép lại 7 ngày sự kiện (6-12/6) với con số tích cực khi đã đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Doanh thu từ dịch vụ du lịch dịp này đạt 159 tỷ đồng.Sau 24 năm nỗ lực đổi mới và sáng tạo, thương hiệu Festival Huế đã trở thành điểm nhấn trên bức tranh du lịch của cố đô Huế. Với trên 500 lễ hội liên quan đến cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo, Huế đã được tôn vinh là thành phố của lễ hội, thành phố Festival của Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, từ 2008 đến nay, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) đã trở thành thương hiệu và điểm hẹn quen thuộc vào mùa hè của du khách trong nước lẫn quốc tế. Từ năm đầu tiên tổ chức với hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch và doanh thu hơn 810 tỷ đồng, sau hơn 10 năm đến nay, Đà Nẵng đã đón được 8,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 38 lần.
Diễn ra thường niên vào mỗi mùa thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội từ một biểu tượng văn hóa, giờ đây đã trở thành “đại sứ du lịch” của Thủ đô. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 tổ chức từ ngày 27 – 29/10 đã thu hút hơn 60.000 lượt du khách trong và ngoài nước. TP Hà Nội cũng định hướng lễ hội trở thành hoạt động thường niên tại đây, xây dựng các tour du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách và bạn bè quốc tế.
Đọc thêm: Festival Thu Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 9/2024
Du lịch lễ hội là sản phẩm quan trọng hàng đầu
Trước những con số “biết nói” mà các sự kiện mang về cho kinh tế du lịch của các địa phương, nhiều thành phố đã bắt đầu chú trọng đầu tư, khai thác các thế mạnh để tổ chức các chuỗi sự kiện lễ hội văn hóa – du lịch, kích cầu và thu hút du khách. Điển hình có thể kể đến chuỗi sự kiện du lịch hè Bình Định, Liên hoan du lịch biển Khánh Hòa, Lễ hội hoa phượng đỏ Hải Phòng,…
Rõ ràng, sự kiện, lễ hội văn hóa và du lịch như cặp đôi hoàn hảo tạo doanh thu, đem lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế du lịch và quảng bá điểm đến du lịch địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu khẳng định: “Việt Nam xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa cũng là sản phẩm bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế đến nước ta.”
Song, tính văn hóa trong các hoạt động lễ hội du lịch cũng là điều cần đảm bảo. Đó là không chạy theo lợi nhuận, không thương mại hóa các hoạt động lễ hội… Điều quan trọng trong vấn đề này là việc xác định giá trị văn hóa của sự kiện lễ hội trước khi tiến tới quảng bá hình ảnh và khai thác tiềm năng kinh tế du lịch của nó.
Backstage News