Ngành tổ chức sự kiện Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng và phát triển công nghệ hiện đại chưa từng có trước đây.
Những năm sau đại dịch Covid-19 là lúc hoạt động kinh tế trong nước sôi nổi trở lại.
Có thể thấy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong năm 2020 và 2021. Cùng việc nắm bắt những xu hướng tiệm cận với nước ngoài, đồng thời hiểu rõ nhu cầu của chính những khán giả khao khát sau quãng thời gian dài bị “cách ly” với các chương trình giải trí, nghệ thuật,… đã quá lâu, những nhà tổ chức sự kiện tại Việt Nam đã thành công trong việc mang lại một số điểm sáng trong năm 2022. Có thể kể đến Việt Nam đã tổ chức thành công Sea Games 31, du lịch quốc tế mở cửa, du lịch nội địa và các sự kiện văn hóa lớn nhỏ khác bùng nổ. Từ đó trở thành bước đệm đưa thị trường ngành sự kiện vươn lên tỏa sáng trong năm 2023.
Nhu cầu về sự kiện luôn ở mức cao
Có thể thấy Việt Nam là một nước có nhu cầu tổ chức sự kiện lớn không thua kém gì các quốc gia hay châu lục khác, trong đó phải kể kể tới nhiều sự kiện lớn về giải trí, đoàn thể, văn hóa, hội nghị,… Ở quy mô tầm trung là các sự kiện doanh nghiệp như team building, tiệc cuối năm… và thậm chí nhỏ hơn nữa là những bữa tiệc sinh nhật, khai trương,…
Như vậy liệu số lượng nhân sự và thiết bị lúc đó liệu có đủ để phục vụ và đáp ứng cho tất cả? Câu trả lời là đủ nhưng chưa hoàn hảo, bởi các công ty tổ chức và cung ứng thường xuyên phải sử dụng máy móc với công suất tối đa do lịch trình sự kiện dày đặc. Sức ép lớn từ lịch trình sự kiện đã gây hỏng hóc cho nhiều thiết bị. Cũng vì lý do đó, tình trạng thiết bị bất ngờ gặp vấn đề, trục trặc trong khi diễn ra sự kiện là không hiếm.
Công ty SpeedMaint chia sẻ về thực trạng chung của ngành công nghiệp tại Việt Nam, rằng tình trạng máy móc thiết bị đã cũ nát, chắp vá đang khá phổ biến, đặc biệt các ngành sản xuất. Tình trạng máy móc thiết bị có tuổi thọ trung bình trên 20 năm ở nước ta chiếm khoảng 40% và dưới 5 năm chỉ chiếm có 27%. Điều đó ảnh hưởng đến độ chính xác của thiết bị, chất lượng sản phẩm và thị hiếu khách hàng trong thị trường như hiện nay.
Ngành tổ chức sự kiện cũng không nằm ngoài tình trạng này, đặc biệt khi đây là một ngành mới tại Việt Nam với tuổi đời chưa tới 20 năm. Chính bởi vậy, việc đầu tư lớn vào trang thiết bị, những công nghệ hiện đại phục vụ cho các hạng mục khác nhau trong sự kiện (như trình diễn, trang trí,…) hay hỗ trợ cho việc vận hành sự kiện được trơn tru hơn (check – in, thu thập dữ liệu,…) là vấn đề các nhà tổ chức và nhà cung cấp tại Việt Nam đau đầu nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Trong bối cảnh đó, nếu nhận định và cho rằng ngành tổ chức sự kiện Việt Nam thực sự chậm và đuối hơn so với các ngành sự kiện đã phát triển lâu đời tại các quốc gia điển hình như Anh, Pháp, Đức và Mỹ trên thế giới là khó có thể chối cãi.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những gì ngành này đã cố gắng trong nhiều năm qua. Có thể thấy các đơn vị cung ứng sự kiện luôn tìm cách để nhập khẩu trang thiết bị hiện đại với chi phí phù hợp từ các nước đi trước (như Trung Quốc), dần dần thích nghi và tận dụng chúng như một cách để thay thế các công nghệ đắt đỏ. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng không ngừng nghiên cứu, có những ý tưởng mới để cải thiện máy móc, sáng tạo và cho ra những thiết bị có công dụng và chức năng hoạt động tốt trong nhiều điều kiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng “nóng” của công nghệ trong biểu diễn và hoàn toàn làm cho sự kiện lung linh, hoành tráng nhất.
Bùng nổ công nghệ sự kiện trong năm 2023
Trước hết, phải nhắc tới cơ hội mở cửa ngoại giao giữa các cấp lãnh đạo cũng như các nhà tổ chức sự kiện không ngần ngại tiên phong gửi lời mời trực tiếp tới những nghệ sĩ quốc tế. Nhờ đó, dải đất hình chữ S trong năm 2023 đã chứng kiến một năm bùng nổ về những chuyến lưu diễn, sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng tại các sự kiện trong nước và hàng loạt những công nghệ sự kiện hiện đại được ứng dụng, tạo trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Ngoài ra, các sự kiện lớn hơn trong khu vực như Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 2023), Đại hội Thể thao châu Á Hàng Châu 2022 (ASIAD 19), xa hơn là các tour diễn của các nghệ sĩ lớn thế giới như Taylor Swift, Beyoncé,… hay các sự kiện lớn ở Châu Âu như Eurovision, Tomorrowland,… cũng mang lại nhiều bài học và cái nhìn tổng quan về sự đổi mới của các loại công nghệ sự kiện.
Từ đó, công nghệ tràn vào Việt Nam và để lại nhiều ảnh hưởng. Mở đầu có thể kể tới sự to lớn của sân khấu thủy lực khiến đa phần các nhà tổ chức vào thời điểm ấy “mắt chữ A mồm chữ O” có trong Born Pink World Tour tại Hà Nội và màn LED trong suốt (Transparent LED) cũng có tại HAY Fest 2023, HOZO 2023, Ravolution X.
Ngoài ra, còn nhiều thiết bị biểu diễn phục vụ cho các loại hình sự kiện độc đáo và “tươi mới” hơn như lễ hội âm nhạc Tiger Crystal Rave 2.0 sử dụng hệ thống phun nước, vòi rồng, pháo nước hiện đại. Hay hệ thống pa-lăng lập trình/trình diễn tự động, bàn nâng sân khấu thủy lực,… sử dụng trong lễ hội âm nhạc HAY Fest 2023.
Thậm chí các thương hiệu cũng không ngần ngại đầu tư các công nghệ hiện đại trong sự kiện riêng của mình như hệ thống kinetic (bóng kinetic và dải đèn kinetic) trong sự kiện tri ân khách hàng của Techcombank; hệ thống curtain digital water trong lễ kỷ niệm ngày thành lập của ngân hàng ACB,…
Bên cạnh đó, công nghệ trình diễn bằng máy bay không người lái (drone) và 3D mapping cũng hiện diện liên tục của trong các sự kiện văn hóa tại các vùng miền trên cả nước như Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023, Lễ hội Sông nước tại TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2023, Ngày hội Du lịch – Đêm hoa đăng Ninh Kiều,… Cả hai đều là loại hình công nghệ trình diễn trong sự kiện tuy không còn mới nhưng đòi hỏi sự khai thác và đầu tư lớn để phục vụ khán giả.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới việc công nghệ âm thanh đã “đỉnh” hơn trông thấy bởi hệ thống âm thanh đều được các nhà cung ứng mạnh tay mang về những thương hiệu hàng đầu thế giới như L-Acoustics, d&b audiotechnik, Yamaha, Meyer Sound,… để đáp ứng nhu cầu “mãn nhĩ” trong các sự kiện âm nhạc lớn nhỏ.
Chưa dừng lại ở đó, không chỉ tăng lên về loại hình công nghệ trình diễn/biểu diễn hay công nghệ sản xuất, cấu trúc mà các nhà tổ chức trong nước cũng chi lớn đầu tư vào công nghệ vận hành cho các hoạt động mang tính trải nghiệm khác của khách hàng như tận dụng tối đa công dụng của QR trong việc check-in sự kiện hoặc sử dụng RFID vừa có thể định danh khán giả, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt, tự động theo dõi số lượng người tham dự, vừa có thể đánh giá hiệu suất sự kiện. Điều này cho thấy sự toàn diện và mối quan tâm lớn của các nhà tổ chức tới mọi mặt, những vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại giúp ghi điểm trong mắt khán giả khi tới sự kiện và cũng giúp giảm bớt gánh nặng về quản lý, vận hành.
Có thể thấy rằng Việt Nam đã có nhiều bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực tổ chức và công nghệ sự kiện. Các thành tựu này không chỉ giúp nâng cao uy tín quốc tế mà còn tạo ra những trải nghiệm đặc sắc cho người tham dự các sự kiện tại Việt Nam. Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn sự kiện quốc tế lớn chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức, đây vừa là một thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội để đội ngũ tổ chức và nhà cung cấp công nghệ trong nước ngày càng phát triển và chú trọng đến chất lượng.
Backstage News