Trong nghề tổ chức sự kiện, mỗi một EventProf có thể đã được tiếp xúc với rất nhiều loại hình nghệ thuật, mỗi loại hình nghệ thuật lại chia ra nhiều phân nhánh con nữa, riêng với Âm nhạc đã có Pop/ Rap/ Rock/ Beatbox/ EDM… mỗi loại hình đều có những đặc điểm rất riêng về tính chất cũng như sự khác nhau trong dàndựng và tổ chức.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ 05 đặc điểm khác nhau rất thú vị trong việc dàn dựng, tổ chức Rock show & EDM show – hay còn gọi là nhạc điện tử được trình diễn bởi các nghệ sĩ là DJ.
Nội dung
1. Sân Khấu
Sân khấu dành cho các DJ khá linh hoạt và biến hóa, bởi vì bản chất chỉ cần một bàn nhỏ kích thước khoảng 2m dài x 0,8m rộng (cao từ 1m2 – 1m4, tùy thuộc chiều cao của DJ) là đủ diện tích để DJ có thể hoạt động. Tuy nhiên để cho sự kiện trở nên lung linh, màu sắc và phục vụ các màn biểu diễn phụ trợ, người ta thường thiết kế sân khấu này loằng ngoằng hơn rất nhiều so với nhu cầu của nghệ sĩ. Sân khấu dành cho DJ có khi chỉ là một cái bục như tôi vừa nói, có khi là cả một biểu tượng hoành tráng khủng khiếp (các bạn có thể tìm kiếm thông tin về các chương trình Tomorrowland)… Như vừa rồi, tại chương trình Heineken Countdown, sân khấu DJ được thiết kế là một quả cầu lớn bằng giàn truss.
Sân khấu dành cho các Rocker lại rộng rãi và đơn giản hơn. Sân khấu phải đủ rộng để cho khoảng 05 người biểu diễn, chưa kể phải dàn dựng đủ các thiết bị đi kèm như: Bộ trống, Guitar, Loa Monitor…. Các sân khấu Rock thường cũng đơn giản bởi vì bản chất Rock là một thứ âm nhạc xù xì mà mộc mạc, những khán giả thưởng thức nhạc Rock họ cũng chỉ cần gặm nhấm những ca từ và giai điệu của Rock mà thôi.
2. Tech Rider
Tech Rider là bản hướng dẫn dàn dựng thiết bị/ dụng cụ chơi nhạc cho nghệ sĩ. Thông thường nghệ sĩ Việt Nam tự chuẩn bị và dàn dựng các thiết bị của mình, nhưng các nghệ sĩ nước ngoài thì họ không thể mang theo toàn bộ thiết bị của họ nên họ cần đặt trước đơn vị tổ chức show chuẩn bị, đôi khi các thiết bị mà nghệ sĩ nước ngoài yêu cầu không có tại Việt Nam, họ phải thuê lại từ các nước lân cận. Phần này hơi nặng về kỹ thuật, thông thường các EventProf vẫn thường nhờ cậy các chuyên gia về âm thanh tư vấn thêm mỗi khi nhận Tech Rider của nghệ sĩ.
Việc dàn dựng theo Tech Rider cho nghệ sĩ là đặc điểm lưu ý chung của Rock & EDM Show, thiết bị cho hai nhánh con của âm nhạc này đương nhiên hoàn toàn khác nhau.
Với Rock thì là: Drum set; Guitar; Bass; Boomstand cho Vocalist; Monitor….
Với EDM thì là: CDJ; DJM; Wireless microphone; Monitor…
3. Trình diễn ánh sáng
Với nhạc EDM, người ta thường gọi đây là những bữa tiệc âm thanh & ánh sáng. Hiệu ứng ánh sáng là chất xúc tác kỳ diệu bổ trợ cho âm nhạc, nhất là đối với nhạc điện tử. Khán giả sẽ trở nên mê dại và say đắm hơn rất nhiều khi ánh sáng kích thích họ theo giai điệu của thứ âm nhạc này. Chính vì thế ánh sáng lúc này cần phải làm sao thường xuyên được đánh phủ về phía khản giả.
Với nhạc Rock thì sao? Bạn có thể thường xuyên thấy hình ảnh những tín đồ nhạc Rock nhắm nghiền mắt lại và giật lắc theo âm điệu mạnh mẽ. Nếu có muốn nhìn ngắm thì chỉ là hình ảnh cuồng si theo giai điệu của chính các Rocker mà thôi. Vì vậy, ánh sáng trong những chương trình Rock chỉ cần tập trung trình diễn các hiệu ứng trên sân khấu, phụ họa cho màn biểu diễn của các Rockers.
4. Các màn trình diễn phụ họa
EDM là màn trình diễn của duy nhất một người, vì vậy đôi khi khá nhàm chán về mặt hình ảnh. Vậy nên trong các chương trình EDM, các bạn có thể thấy được khá nhiều các tiết mục phụ trợ như: Rapper; Dancer; Singer… hay thậm chí là DJ mix nhạc với một nhạc cụ khác hoặc 02 DJ mix nhạc với nhau.
Rock thì hoàn toàn ngược lại. Không gì cả. Hãy để khán giả cảm nhận thật sâu thứ âm nhạc bùng nổ, dằn vặt, phá phách và nổi loạn này.
5. Kịch bản chương trình
EDM còn có một tên gọi khác là nhạc Non-Stop… một chương trình đôi khi chỉ có 01 DJ, tùy chương trình nhưng nhiều lắm thì cũng chỉ nên có 03 bạn là cùng. Một màn biểu diễn của DJ thông thường ít nhất cũng phải là 30 phút, dài thì lên đến cả 2-3 tiếng. Các chương trình nhạc EDM thường có khá nhiều các Key Moment để cùng âm nhạc nhấn nhá cảm xúc của khán giả, nhưng nếu như không có Key Moment gì đặc biệt thì kịch bản chỉ cần chú ý đến việc làm sao để DJ xuất hiện thật ấn tượng và thời điểm xuất hiện các màn biểu diễn phụ họa.
Rock thì hơi khác một chút, một chương trình thường có khá nhiều Band tham gia, ít thì cũng 4-5 Bands, nhiều thì lên đến cả hơn một chục. Mỗi Bands chơi 3-4 bài, cấu trúc khá đơn giản. Trong các chương trình Rock, kịch bản chỉ cần lưu ý một điều đặc biệt duy nhất đó là những khoảnh khắc chuyển giao giữa các Band, phần “chết sân khấu” này là nỗi đau chung của dân tổ chức sự kiện chuyên với những Show nhạc Rock, lý do bởi mỗi Band đều cần set-up tông nhạc riêng cho mình, sau đó còn căn chỉnh đủ kiểu – kể cả khi trước đó đã Sound check. Những cách khắc phục thì ai quan tâm có thể inbox, trong khuôn khổ bài này mình không chia sẻ hết được.
…
Xem thêm: Backstage Run Crew – Họ là ai?
Nguồn: fb/EventManagement.vn