Công nghệ quay phim đã phát triển đáng kể, cho phép cải tiến các máy quay siêu tốc độ, tích hợp góc nhìn tương tự như những sinh vật sống trên không.
Spidercam (Tạm dịch: Camera nhện) là một hệ thống máy quay dùng trong phim ảnh, truyền hình và các sự kiện (thể thao, âm nhạc, văn hóa,…). Spidercam được vận hành bằng cách điều khiển chuyển động của máy quay theo cả chiều ngang và chiều dọc trong khu vực hoạt động của nó.
Nội dung
Các dạng Spidercam sử dụng trong công nghệ quay phim
Trong hệ thống Camera nhện, có hai phiên bản chính:
- Spidercam Light: Phiên bản nhỏ gọn và linh hoạt của Spidercam. Spidercam Light thích hợp cho không gian hạn chế và yêu cầu di chuyển nhanh chóng (tốc độ lên tới 4,5m/s). (ảnh bên phải)
- Spidercam Heavy: Phiên bản mạnh mẽ và phù hợp với các sự kiện lớn, cần độ ổn định cao trong quá trình hoạt động, chống rung lắc cho dây cáp (nhờ công nghệ con quay hồi chuyển). Hệ thống này có khả năng mang được nhiều máy quay nặng, tuy nhiên về tốc độ di chuyển sẽ hạn chế hơn so với Spidercam Light. (ảnh bên trái)
Các yếu tố kỹ thuật cần đáp ứng khi vận hành
- Khu vực bay của máy quay (khu vực hoạt động): là toàn bộ khu vực máy quay có thể di chuyển, tiếp cận tới các vị trí khác nhau bằng sự hỗ trợ của dây cáp, tời kéo hoặc cáp nâng trong khi vận hành.
- Tời (Winches – máy kéo điện): được lắp đặt trong khung nhôm có lưới chắn. Nhờ bốn bánh xe, tời có thể dễ dàng di chuyển và lắp đặt. Do trọng lượng lớn, tời không cần phải bổ sung thêm khối lượng và vẫn đảm bảo được tính cố định. Ngoài ra, tời cũng có thể được gắn vào truss giúp tăng chiều cao cho hệ thống máy quay di động này.
- Ròng rọc: là quãng đường di chuyển của máy quay theo cả chiều ngang và chiều cao.
- Trạm điều khiển: nơi giám sát cho toàn bộ phần mềm điều khiển, đây cũng là vị trí làm việc của toàn bộ nhân sự điều khiển, vận hành.
- Máy ảnh – máy quay và ống kính: Spidercam không bị giới hạn và có thể được trang bị, thay thế bằng nhiều ống kính, camera khác nhau.
Quá trình làm việc
- Spidercam hoạt động với bốn tời có gắn động cơ tự động, được đặt ở mỗi góc khuôn viên sự kiện (ví dụ: 4 góc sân vận động thể thao) và được sử dụng vải, bạt che phủ. Mỗi tời điều khiển một dây cáp (thường là dây cáp Kevlar) được kết nối với giá đỡ máy quay.
- Bằng cách kiểm soát việc cuộn vào tháo (hoặc kéo và thả) dây cáp, hệ thống cho phép xe đẩy giá đỡ máy quay đi đến bất kỳ vị trí nào trong không gian ba chiều.
- Mệnh lệnh từ máy tính và bộ điều khiển tới “phi công” Spidercam được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng, chuyển tiếp các lệnh tới máy kéo điện bằng hệ thống cáp quang.
- Một tới hai trong số các dây cáp cũng tích hợp các sợi cáp quang được dệt bên trong để trao đổi tín hiệu (lấy nét, thu phóng, chỉnh sửa) và dữ liệu (hình ảnh, âm thanh) giữa máy ảnh và trạm điều khiển. Ngày nay, việc trao đổi tín hiệu cũng diễn ra một cách trơn tru và tiên tiến hơn nhờ vào việc trang bị bộ phát không dây, giúp phát lại hình ảnh, truyền hình một cách trực tiếp.
Camera nhện luôn được trang bị camera độ phân giải cao có thể phóng to, thu nhỏ, xoay 360 độ để ghi lại hoạt động từ các góc độ khác nhau.
Hệ thống công nghệ quay phim sự kiện tại Việt Nam hiện nay
Spidercam – công nghệ quay phim đã cách mạng hóa việc phát sóng các trận đấu thể thao như bóng chày, bóng rổ, bóng bầu dục,… Bên cạnh đó, những sự kiện lớn văn hóa lớn trên thế giới (Metallica Tour 2019, Thế vận hội Tokyo,…) cũng dần có xu hướng ứng dụng công nghệ này ngày một nhiều, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho khán giả xem sự kiện qua màn ảnh rộng.
Trong ngành sự kiện Việt Nam, hiện vẫn chưa ghi nhận được việc ứng dụng Spidercam trong sự kiện. Tuy nhiên, cũng đã có những biến thể cơ bản giống với loại hình Spidercam như trong sự kiện vừa mới diễn ra của nghệ sĩ, rapper Đen Vâu tại “Show của Đen”.
Tại “Show của Đen”, ban tổ chức thay vì dùng cẩu quay phim điện 360 độ (Boom điện) đã sử dụng Cable-suspended camera system (Tạm dịch: hệ thống camera treo dây). Khác với Spidercam – hoạt động trên sự phối hợp nhịp nhàng của cả bệ đỡ máy quay cũng như tời ở cả 4 góc cố định, hệ thống camera treo dây chỉ có thể di chuyển bằng chuyển động độc lập của hệ thống điều khiển tín hiệu không dây, bánh xe chạy bằng nguồn điện gắn tại bệ đỡ máy quay và phạm vi khu vực “bay” của nó cũng chỉ trên một đường dây cáp duy nhất và thậm chí không có máy kéo điện.
Có thể nói, đây là một tín hiệu tốt trong việc ứng dụng những hệ thống máy quay trong sự kiện một cách linh hoạt, bên cạnh đó giúp cho khán giả có trải nghiệm trọn vẹn hơn, không bị khuất tầm mắt bởi những hệ thống máy quay khổng lồ và phức tạp. Những thước phim trong “Show của Đen” được ghi lại bằng Cable-suspended camera system hứa hẹn sẽ không thua kém bất cứ một loại hình hệ thống máy quay hiện đại nào nhờ vào độ phù hợp, ổn định và tiên tiến của nó.
Backstage News