Công nghệ trí tuệ nhân tạo Virtual Influencer (Artificial Intelligence - AI) hay khoa học máy tính đã chiếm lĩnh ở khắp mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục, an ninh,... cho đến lĩnh vực quảng cáo, nghệ thuật.
Khi công nghệ hỗ trợ các nhân vật kỹ thuật số tiếp tục phát triển và dễ tiếp cận hơn, các cơ hội sử dụng những người có sức ảnh hưởng ảo (Virtual Influencer) như một công cụ tiếp thị độc đáo để mang đến sự đột phá trong những chiến dịch Marketing.
Bên cạnh những đại sứ thương hiệu truyền thống vẫn thường thấy, sự đổ bộ của công nghệ máy tính hay trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực sự làm thay đổi cuộc chơi của ngành quảng cáo.
Madeleine Mak, giám đốc phát triển khách hàng tại GroupM khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, ngành công nghiệp Influencer Marketing sẽ có thể đạt tới sự phát triển vượt bậc và đa dạng hóa hơn nhiều với sự tham gia của danh sách và quy mô sẵn có của những người ảnh hưởng ảo (Virtual Influencer) hiện nay.
Nội dung
Virtual Influencer là ai?
Theo định nghĩa từ Hiệp hội máy tính (Communications of the ACM), một hiệp hội học thuật về máy tính quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, Virtual Influencer (người có sức ảnh hưởng ảo) là những nhân vật kỹ thuật số được tạo ra thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI).
Những Virtual Influencer này được sáng tạo mang những đặc điểm, tính cách tương tự như những Influencer là con người thật. Họ sở hữu những tài khoản mạng xã hội công khai, chia sẻ những câu chuyện, thông điệp riêng, cho phép những tương tác tích cực với người dùng trong môi trường ảo (Hanus và Fox, 2015).
Hiện nay, các nền tảng truyền thông phổ biến để phân phối người ảnh hưởng ảo được mở rộng theo sự phát triển của công nghệ số, bao gồm Instagram, TikTok, YouTube, Twitter và Spotify. Trong đó Instagram là nền tảng phổ biến nhất mà những người có ảnh hưởng ảo sử dụng.
Vào tháng 3/2022, Instagram đã cấp dấu tick xanh cho 35 tài khoản của Virtual Influencer như Magazine Luiza, Lil Miquela, Casas Bahias (Bahianinho),… Sự kiện này đã chứng minh mức độ nhận diện tích cực của những nhân vật này trên các nền tảng kỹ thuật số.
Bà Becky Owen – Trưởng bộ phận Giải pháp và Đổi mới sáng tạo tại Meta từng chia sẻ: “Nếu nhìn vào các biểu hiện của Influencer ảo trên các nền tảng của Meta, chúng ta sẽ thấy họ có cách tiếp cận người dùng rất độc đáo. Họ là sự kết hợp của những câu chuyện viễn tưởng trong tiểu thuyết với sự tương tác ngoài đời thực.”
Virtual Influencer trong giới truyền thông, giải trí
Nơi “debut” của một số Virtual Influencer đầu tiên trên thế giới chính là truyền hình TV. Vào những năm 1980, Max Headroom – một người dẫn chương trình tin tức hư cấu đã trở thành một nhân vật truyền hình, xuất hiện trong các quảng cáo cho Coca-Cola và trên các chương trình trò chuyện nổi tiếng. Chính vì vậy, Headroom được coi là một trong những Influencer ảo đầu tiên của kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số.
Từ đó, các nhân vật ảo bắt đầu được sử dụng cho mục đích giải trí, chẳng hạn như trò chơi điện tử và phim hoạt hình. Trong anime Nhật Bản, thần tượng ảo đầu tiên được tạo ra là Lynn Minmay, một ca sĩ hư cấu và là nhân vật chính của một bộ phim truyền hình anime năm 1982.
Đến những năm 2000, các nghệ sĩ ảo dần trở nên phổ biến, khuấy động giới truyền thông. Trong đó phải kể đến Hatsune Miku, biểu tượng âm nhạc toàn cầu đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng máy tính. Giọng nói và hình ảnh của nhân vật này đã được hàng trăm nhà sản xuất âm nhạc sử dụng để biểu diễn trên các sân khấu quốc tế, thông qua hình ảnh ba chiều và đồ họa phương tiện.
Bước đột phá thực sự đến từ sự ra đời của các Influencer ảo được thiết kế riêng cho các nền tảng truyền thông xã hội. Đặc biệt phải kể đến Virtual Influencer đầu tiên trên Instagram: người mẫu ảo Lil Miquela, hay còn được biết với cái tên Miquela Sousa. Sự xuất hiện của cô nàng ảo này đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ngành Marketing.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2016, Miquela đã thu hút hơn 2,5 triệu người theo dõi trên Instagram đến nay, phát hành 15 đĩa đơn Spotify. Cô cũng từng trở thành gương mặt đại diện cho các chiến dịch của Prada, Samsung và tham gia đóng vai chính cùng với siêu mẫu Bella Hadid cho hãng quần lót nam Calvin Klein.
Ngoài Virtual Influencer, hiện nay cũng có nhiều thuật ngữ khác để nói về các bản thể kỹ thuật số có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như Vtuber (các nhân vật anime lấy khuôn mẫu từ con người phát trực tiếp trên Twitch và YouTube); Virtual idol – thần tượng ảo (nhân vật ảo có thể hát và nhảy giống như thần tượng ngoài đời thực).
Giá trị thật từ sức ảnh hưởng ảo
Trong lĩnh vực Marketing, các Influencer ảo bắt đầu được nhiều thương hiệu ưa chuộng bởi nhiều lợi thế mang lại. Trong đó có 2 lợi ích chính phải kể đến là sự tối ưu chi phí và linh hoạt sáng tạo, chủ động kiểm soát với mọi ý tưởng, nội dung được tạo ra bởi influencer ảo.
Hiện nay, hầu hết các Influencer ảo đều có những tài khoản mạng xã hội để tương tác với người theo dõi, từ đó trở thành đối tác cho các nhãn hàng và thương hiệu muốn tiếp cận đến nhiều người dùng trên các nền tảng khác nhau. Ngoài check-in, đăng ảnh, post story, Influencer ảo ở thời điểm hiện tại còn có thể review sản phẩm, ca hát, quay video, livestream với người xem,… thậm chí còn tốt hơn người thật.
Song song với đó, tương tác của người tiêu dùng với các nhân vật ảo cũng bắt đầu được đẩy nhanh bởi sự chuyển dịch sang thương mại điện tử và các kênh dịch vụ khách hàng kỹ thuật số do đại dịch COVID-19 gây ra.
Báo cáo của The Influencer Marketing Factory vào tháng 3/2022 đã cho thấy, 58% người tham gia khảo sát có theo dõi ít nhất một nhân vật ảo trên các nền tảng mạng xã hội và 35% người đã từng mua các sản phẩm/dịch vụ do Virtual Influencer quảng bá. Không chỉ vậy, báo cáo chỉ ra rằng, có đến 27% người theo dõi Influencer ảo vì chính các nội dung mà họ truyền tải. Trên thực tế, các Influencer ảo thu hút tỷ lệ tương tác cao hơn gấp 3 lần những người ảnh hưởng thật trên Instagram.
Các thương hiệu thời trang là những người đầu tiên nắm bắt xu hướng influencer ảo để thực hiện các chiến dịch marketing. Ví dụ, trong bộ sưu tập Thu 2018, hãng thời trang cao cấp Pháp Balmain đã trình làng tới khán giả ba người mẫu ảo như là một phần của chiến dịch #BALMAINARMY.
Hay như đầu năm 2024, Puma đã hợp tác với UM Studios x Ensemble Worldwide để ra mắt ‘Maya’ – một người có sức ảnh hưởng ảo đại diện cho thương hiệu tại khu vực Đông Nam Á.
Amit Sutha, Giám đốc điều hành của UM Studios & Ensemble Worldwide, cho biết: “Nghiên cứu cho chúng tôi cho thấy không thể có một người có sức ảnh hưởng nào có thể bao phủ toàn bộ khu vực Đông Nam Á (SEA), vì vậy nhóm đã quyết định “khai sinh” một nhân vật riêng”.
Song song với sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, các Influencer ảo này cũng có khả năng kiếm tiền không thua kém người thật.
Trong 5 năm đầu tiên kể từ khi ra mắt vào năm 2007, thần tượng ảo Hatsune Miku đã tạo ra hơn 120 triệu USD từ một số chiến dịch tiếp thị, bao gồm phần mềm âm nhạc, tiểu thuyết đồ họa, trò chơi điện tử, lễ hội,…
Hay nhân vật Rozy – một người mẫu ảo của Hàn Quốc ước tính đem về cho công ty hơn 1 tỷ won (821.000 USD) vào năm 2021.
Trong khi đó, số liệu từ OnBuy cho biết, năm 2022, người mẫu ảo Lu do Magalu (@magazineluiza) có thể mang về cho chủ sở hữu số tiền lên đến 17 triệu USD. Nền tảng này cũng ước tính, những Influencer ảo trên Instagram có thể mang lại từ 3.000 đến gần 18.000 USD cho mỗi bài đăng.
Virtual Influencer nổi bật của Việt Nam
Ngày nay, những người có sức ảnh hưởng ảo (Virtual Influencer) đặc biệt phổ biến ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.Hưởng ứng những tiến bộ của thời đại, nhiều nhãn hàng lớn ở Việt Nam dần đẩy mạnh phạm vi sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI để giúp các hoạt động thương mại trở nên mới mẻ và đạt hiệu quả cao hơn. Nhiều thương hiệu nhanh chóng nắm bắt xu hướng, tạo ra những Influencer ảo độc đáo để thu hút sự chú ý của khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Một số Virtual Influencer nổi bật, gây tiếng vang tại Việt Nam có thể kể đến như: Đại sứ Thương hiệu ảo Tóc Tiên A.I Clear Head (phiên bản A.I của nữ ca sĩ Tóc Tiên); Người mẫu ảo đầu tiên của Việt Nam – E.M ƠI; chuyên gia tài chính ảo Vie của ngân hàng VIB; hay đại sứ ảo siêu thực đầu tiên của Việt Nam – Vi An do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel phát triển;…
Mặc dù chỉ là sản phẩm từ kỹ thuật CGI và đồ họa 3D, có thể xem sự phát triển của Influencer ảo nói chung đã trở thành một làn gió mới đầy táo tạo trong ngành quảng cáo, marketing, giúp các hoạt động thương mại trở nên mới mẻ và đạt hiệu quả cao hơn. Xu hướng này được dự đoán sẽ vẫn còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai, khi mà AI đang dần len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống người tiêu dùng.
Backstage News